Nghiên cứu quy trình trích ly flavonoid tổng từ lá đỏ ngọn và đánh giá hoạt tính sinh học của dịch chiết
Kim Tiến
24/08/2018
KH&CN trong nước
Nhằm mục đích khai thác và tận dụng các tác dụng y học quý giá của cây đỏ ngọn, nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Thảo Ly, Lê Sỹ Ngọc, Phạm Thị Hà Vân (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao) và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về quy trình trích ly flavonoid tổng từ lá đỏ ngọn (Cratoxylum prunifolium) và đánh giá hoạt tính sinh học của dịch chiết.
Đỏ ngọn là một cây thảo dược quý mọc tự nhiên ở vùng đồi núi thấp và trung du, chứa các nhóm chất có khả năng thúc đẩy, bổ trợ hệ thần kinh, chống đông máu, chống oxy hóa, bảo vệ tế bào, cũng như ngăn ngừa các nguy cơ xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu mão, tổn thương do bức xạ hoặc thoái hóa gan. Do đó, các nhà nghiên cứu đã thực hiện đề tài để xác định các thông số thích hợp cho quá trình trích ly flavonoid tổng từ lá đỏ ngọn, từ đó hướng tới ứng dụng hợp chất sinh học của cây dược liệu này vào thực phẩm.
Nghiên cứu sử dụng vật liệu thí nghiệm là lá đỏ ngọn thu hái vào tháng 7 hằng năm, có màu xanh sẫm và đỏ sẫm tại tỉnh Quảng Ngãi. Các nhà nghiên cứu đã lần lượt tiến hành thí nghiệm các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trích ly như nồng độ dung môi, tỷ lệ nguyên liệu:dung môi, nhiệt độ trích ly và thời gian trích ly.
Kết quả thu được hàm lượng flavonoid tổng đạt 2,792%, đồng thời chọn được các thông số thích hợp cho quá trình trích ly như nồng độ dung môi (79%), tỷ lệ nguyên liệu:dung môi (1:64 w/v), nhiệt độ trích ly (780C) và thời gian trích ly (68 phút). Qua các thí nghiệm đánh giá, dịch chiết có năng lực khử ở nồng độ 120µg/ml (0,1960); hoạt tính kháng gốc tự do ở nồng độ 140µg/m (75,679%) và hoạt tính kháng hydroxyl tự do ở nồng độ 120µg/m (44,138%). Ngoài ra, dịch chiết còn có khả năng kháng nấm Aspergillus sp., Botrytis sp., Penicillium sp., Rhizopus sp lần lượt ở các nồng độ 750ppm, 750ppm, 500ppm và 100ppm.