Nghiên cứu về nguồn vật liệu và chọn tạo dòng dưa lưới phù hợp với khu vực phía Nam
Kim Tiến
12/09/2018
KH&CN trong nước
Là nội dung chính trong đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả Hoàng Đắc Hiệt, Huỳnh Quang Tuấn, Lê Thị Thu Mận (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao) và cộng sự. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các đặc tính giống, đồng thời chọn lọc được các giống cho năng suất cao, chất lượng tốt và thích hợp với các vùng trồng dưa lưới (Cucumis melo L.) ở các tỉnh phía Nam.
Dưa lưới là một trong những loại quả được dùng phổ biến làm món tráng miệng ở các nước nhiệt đới. Do chứa nhiều chất xơ, nên dưa lưới có tác dụng nhuận trường, chống táo bón, cung cấp acid folic, vitamin C và A, cũng như cung cấp các chất chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch và phòng chống ung thư.
Hiện nay nhu cầu về giống dưa lưới F1 tại nước ta tăng cao do diện tích trồng tại các khu vực phía Nam đang ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên phần lớn các giống F1 đều được nhập khẩu từ nước ngoài nên có giá thành cao và chi phí đầu tư sản xuất lớn, dẫn đến sản phẩm có giá thành khá đắt và chưa phổ biến đến nhiều đối tượng người tiêu dùng. Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu quy trình sản xuất để cho ra sản phẩm dưa lưới có chất lượng tốt, cần phải chọn tạo được giống dưa mới, có năng suất, phẩm chất tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu nước ta.
Để hoàn thiện đề tài, các nhà nghiên cứu đã tiến hành các nội dung sau: thu thập nguồn chọn giống dưa lưới; nghiên cứu đánh giá nguồn vật liệu khởi đầu phục vụ lai tạo giống dưa lưới; chọn tạo dòng tự phối dưa lưới đến S1.
Kết quả đã thu thập đươc 24 giống dưa lưới, trong đó có 17 giống cho năng suất, phẩm chất tốt và ít nhiễm sâu bệnh. Sau khi trồng khảo sát, kết quả có 18/24 giống có đặc điểm về hình thái, năng suất và phẩm chất được đánh giá cao. Đối với các dòng tự thụ phấn của giống dưa lưới ở thế hệ S1, có 112 dòng cho kết quả tốt về đặc tính hình thái, năng xuất và khả năng chống chịu sâu bệnh.