Thực phẩm uống bổ sung cho người bệnh kém dung nạp lactose
Kim Tiến
30/11/2018
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Tạ Thị Tuyết Mai, Huỳnh Văn Ân, Đỗ Thị Liên (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về tỷ lệ mắc hội chứng kém dung nạp lactose, chẩn đoán và hiệu quả nuôi dưỡng của sữa đậu nành bổ sung sữa bột nguyên kem và probiotics. Nghiên cứu nhằm tạo ra loại thực phẩm dạng nước thay thế sữa cao năng lượng, giúp bổ sung dinh dưỡng cho các bệnh nhân nặng bị hội chứng này.
Các sản phẩm sữa cao năng lượng trên thị trường hiện nay như Ensure, Glucerna, Enplus,…thường chỉ phù hợp cho các bệnh nhân nhẹ, không đủ cung cấp dinh dưỡng và gây ra hiện tượng tiêu chảy kèm theo tăng lipip máu ở các bệnh nhân nặng kém dung nạp đường. Khi nuôi qua ống thông bằng các sản phẩm sữa cao năng lượng, bác sĩ phải bổ sung thêm đạm qua đường tĩnh mạch hoặc nuôi bệnh nhân bằng thể tích sữa lớn (lên đến 2.000-2.500 ml/ngày), có nguy cơ thừa và gây tốn kém cho người bệnh do giá thành của các sản phẩm sữa trên rất cao.
Để nhận diện bệnh nhân nặng kém dung nạp lactose, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp real-time As-PCR, từ đó xác định tần suất bệnh nhân nặng kém dung nạp lactose bẩm sinh. Các nội dung được thực hiện trong nghiên cứu gồm: xây dựng công thức, so sánh mức đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng theo khuyến nghị cho bệnh nhân nặng và giá trị sinh học của sữa thành phẩm với sữa chuẩn Isocal; xây dựng quy trình xác định SNP LCT-13910 có liên quan đến khả năng sinh lactase ở người và tình trạng kém dung nạp lactose bẩm sinh; so sánh hiệu quả cải thiện dinh dưỡng, sự biến đổi lipid máu, tình trạng dung nạp và sự an toàn của sữa thành phầm với sữa chuẩn Isocal trên chuột suy dinh dưỡng trung bình và bệnh nhân nặng kém dung nạp lactose.
Kết quả cho thấy, sữa thành phẩm (gồm sữa đậu nành bổ sung sữa bột nguyên kem và probiotics) đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến nghị dành cho bệnh nhân nặng tương đương với sữa chuẩn Isocal, đồng thời cải thiện tình trạng dinh dưỡng, có tính kháng viêm cao, không làm tăng đáng kể lipid máu và dung nạp tốt. Tình trạng tiêu chảy, tồn lưu khi nuôi bệnh nhân bằng sữa thành phẩm không khác với bệnh nhân được nuôi bằng Isocal. Ngoài ra, giá thành của sản phẩm chỉ bằng 1/3 giá của sữa chuẩn.