SpStinet - vwpChiTiet

 

Chọn lọc dòng xạ khuẩn có khả năng kiểm soát nấm gây bệnh trên cây cao su

Là nội dung chính trong đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả Hoàng Trọng Minh Quân, Nguyễn Thị Bạch Huệ, Huỳnh Thị Diễm Phúc (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ) và cộng sự. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định được chủng xạ khuẩn phù hợp để sản xuất chế phẩm có khả năng diệt trừ hiệu quả nấm Corynespora cassiicola gây bệnh cho cây cao su nhưng vẫn thân thiện với môi trường và hệ sinh thái.

Cao su là một trong các loại cây công nghiệp quan trọng nhất tại nước ta do các sản phẩm từ nhựa cao su có tính ứng dụng cao và không thể thay thế trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cây cao su thường bị rụng lá, giảm sản lượng và chết hàng loạt do loài nấm nội ký sinh C. Cassiicola tấn công lên tất cả cả giai đoạn sống của cây. Đây là loài nấm có phổ sinh trưởng rộng, tồn tại khắp nơi, vì vậy khả năng gây bệnh của nấm luôn tiềm tàng và có thể bùng pháp thành dịch nếu có điều kiện phù hợp. Tuy hiện nay đã có một số thuốc bảo vệ thực vật thương mại có khả năng diệt nấm, nhưng hầu hết đều có phổ diệt rộng và có tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.

Từ đối tượng nghiên cứu là nấm C. Cassiicola phân lập từ mẫu lá cao su có triệu chứng nhiễm bệnh, các nhà nghiên cứu đã tiến hành: phân lập, làm thuần xạ khuẩn từ Vườn quốc gia Cát Tiên và khảo sát sơ bộ hoạt tính kháng nấm C. Cassiicola; khảo sát điều kiện thích hợp cho lên men đồng nuôi cấy xạ khuẩn với nấm C. Cassiicola; thử hoạt tính kháng nấm C. Cassiicola in vitro và ex vivo của dịch chiết sau đồng nuôi cấy; phân tích và dự đoán các hợp chất tiềm năng từ dịch đồng nuôi cấy có hiệu quả kháng nấm C. Cassiicola bằng phương pháp sắc ký lỏng cao áp/hiệu năng cao.

Với 100 chủng xạ khuẩn thu được từ quá trình phân lập, các nhà nghiên cứu đã xác định được 7 chủng có thể sản sinh hợp chất kháng nấm C. Cassiicola rõ ràng, trong đó, chủng PT2 (Strep. misionensis) có hoạt tính mạnh nhất và có khả năng ngăn chặn sự phát triển của bệnh trong ít nhất 72 giờ. Nghiên cứu cũng chọn được môi trường và điều kiện nuôi cấy thích hợp để sinh hợp chất tự nhiên là L4, 300C, 150 rpm trong 7 ngày. Ngoài ra, việc đồng nuôi cấy xạ khuẩn với C. Cassiicola trong môi trường ISP2 ở điều kiện khảo sát hầu như không tạo thêm hợp chất mới nào có khả năng kháng nấm.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả