SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu khoa học: lối đi cho giống cây trồng thương phẩm

Giống bắp (ngô) nếp VH686 được nghiên cứu sản xuất trong nước đạt năng suất cao, ăn ngon, cùng nhiều ưu điểm vượt trội khác đang từng bước tiếp cận thị trường thành công. Câu chuyện của một doanh nghiệp ngành giống cây trồng ở TP.HCM thêm lần nữa khẳng định “nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ là con đường tất yếu để tạo thế mạnh cho nông sản Việt”.

Sản phẩm ưu việt từ hoạt động nghiên cứu

Các doanh nghiệp giống cây trồng trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ hiện nay đang đứng trước áp lực cạnh tranh “không cân sức” bởi các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh về tài chính, nhân lực, kinh nghiệm và hoạt động nghiên cứu chuyên sâu đang dần chiếm lĩnh thị phần. Chỉ riêng về mặt hàng bắp, nguồn giống nhập khẩu trên thị trường hiện nay rất đa dạng và phong phú, với xuất xứ từ Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan,…

Công ty TNHH Một thành viên Giống cây trồng Việt Hòa (VSC) được thành lập năm 2010, có trụ sở đặt tại quận Tân Bình, TP.HCM, với các thành viên sáng lập đã hoạt động nghiên cứu từ năm 2007. Để cạnh tranh, ngay từ đầu, VSC đã xác định nghiên cứu ứng dụng KH&CN để tạo ra sản phẩm ưu việt, đó là sản phẩm phải có tính sáng tạo, tính mới, và không rập khuôn, ồ ạt theo thị trường. VSC đã tập trung khai thác thế mạnh nghiên cứu khoa học trong chọn tạo giống cây trồng để tạo ra sản phẩm thương hiệu Việt có chất lượng không thua kém ngoại nhập, đặc biệt phù hợp với điều kiện canh tác trong nước.

Giống bắp nếp VH686 được VSC nghiên cứu lai tạo thành công năm 2013. Đến năm 2017, VH686 được đưa vào sản xuất và kinh doanh, mang lại doanh thu cho VSC hơn 2,4 tỷ đồng. Cùng năm này, VSC được Sở KH&CN TP.HCM cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN với sản phẩm  là giống bắp nếp VH686.

VSC đang đầu tư triển khai dự án tạo ra 3 giống bắp nếp, sản xuất 160 tấn hạt giống bắp nếp lai F1 trong 3 năm từ 2017-2019, đủ cung cấp cho sản xuất trên diện tích 11.428 ha bắp thương phẩm. Với giá bình quân 280.000 đồng/kg (thấp hơn so với giống ngoại nhập 80.000 đồng/kg), dự án sẽ giúp cho nông dân ngoài việc chủ động nguồn giống còn giảm được chi phí sản xuất; giúp ngành nông nghiệp tiết kiệm nguồn ngoại tệ nhập khẩu giống hàng năm và giảm bớt phụ thuộc nguồn giống nước ngoài. Ngoài ra, dự án cũng đem lại công ăn việc làm cho nông dân vùng sản xuất hạt giống (huyện Củ Chi–TP.HCM, tỉnh Tây Ninh,...).

Ông Nguyễn Hữu Hòa (Phó Giám đốc VSC) cho biết, về các giống bắp nếp, từ năm 2007 đến nay, VSC đã tạo ra hàng trăm dòng tự phối, lai tạo 200-500 tổ hợp lai mới mỗi năm. Từ đó, đã chọn ra được các giống bắp nếp lai VH686, VH815. Cả hai giống đều đã được đăng ký khảo nghiệm quốc gia và đăng ký bảo hộ từ năm 2015. Qua 3 năm khảo nghiệm (2015–2017) ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng, giống bắp nếp VH686 được ghi nhận có nhiều ưu điểm vượt trội như thời gian sinh trưởng ngắn (58-62 ngày); khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; năng suất cao và ổn định qua các vụ; cây đồng đều, trái to và tỷ lệ trái loại 1 cao (trên 90%), chất lượng ăn tươi ngon, mềm, dẻo; khả năng chống đổ ngã tốt, ít nhiễm sâu bệnh; thích hợp trồng trên nhiều vùng đất, dễ trồng và trồng được quanh năm, đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Năng suất cao và ổn định của VH686 được khẳng định qua quá trình sản xuất thử nghiệm ở các vùng, địa phương trên cả nước. Cụ thể, sản xuất thử trên diện tích 454,36 ha trong 2 năm (2017–2018) tại các tỉnh phía Nam, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng cho thấy, giống VH686 có năng suất trung bình từ 11,29-12,78 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng Milky36 (xuất xứ Mỹ) từ 11,2-15,9% và cao hơn giống đối chứng MX10 (lai tạo trong nước) từ 11,5-22,6%. Theo tính toán bước đầu, giống VH686 có tổng thu 67,122 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất, nông dân có thể thu được lợi nhuận 39,162 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giống Milky36 đạt tổng thu 63,631 triệu đồng/ha (lợi nhuận 34,891 triệu đồng/ha, thấp hơn VH686 khoảng 12%); giống MX10 là 55,287 triệu đồng/ha (lợi nhuận 28,287 triệu đồng/ha, thấp hơn VH686 là 38%).

VH686 được đánh giá là giống bắp triển vọng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam, được nông dân chấp nhận và được 12 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Đắc Nông, Đắc Lắc, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng) đề nghị Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận chính thức để đưa vào sản xuất đại trà.

Nghiên cứu khoa học “đến nơi đến chốn”

Xuất thân là một kỹ sư trồng trọt, ông Nguyễn Hữu Hòa có niềm đam mê với nghiên cứu khoa học nông nghiệp và “bén duyên” với lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng từ cách đây 30 năm. Những năm còn là nhân viên nghiên cứu, rồi trưởng dự án bắp nếp của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (1999–2004), thạc sỹ Nguyễn Hữu Hòa và cộng sự đã nghiên cứu chọn tạo thành công 4 giống bắp nếp lai MX2, MX4, MX6 và MX10 (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận). Trong đó, giống MX2, MX10, MX4 được công nhận là giống quốc gia; đề tài Tạo giống bắp nếp lai đơn MX10 đoạt giải ba giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam (VIFOTEC năm 2007), giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM 2007 và giải thưởng Tôn Đức Thắng lần VIII năm 2008 của UBND TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức. Đây là tiền đề cho sự ra đời của VSC – nơi tiếp nối con đường nghiên cứu khoa học, đồng hành với người nông dân và góp phần nâng tầm nông sản Việt.

Hiện tại, VSC tập trung vào 2 dự án KH&CN là nghiên cứu lai tạo ra các giống bắp, và nghiên cứu lai tạo các giống rau Việt Nam có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng, chống chịu bệnh và biến đổi khí hậu,…đáp ứng nhu cầu thị trường. Về giống bắp nếp, tiếp nối thành công của VH686, VSC sẽ tiếp tục triển khai thêm 2 sản phẩm là VH815 và Trường Sa 1. Ở mảng rau, tập trung các giống bí đỏ, khổ qua, mướp hương,…với những đặc tính tốt nhất phục vụ cho xu hướng sản xuất rau sạch.

Việc được cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN là điều kiện thuận lợi để VSC tiếp tục đầu tư đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Hiện VSC đã đầu tư các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, trạm thực nghiệm và ruộng thực nghiệm tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM. Mỗi năm VSC sẽ trích 10% doanh thu để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu. Trong giai đoạn 2017-2021 sẽ đầu tư 1,8 tỷ đồng xây dựng kho mát (kho nguồn gen), phòng thí nghiệm bệnh cây, hệ thống tưới,…để phục vụ công tác nghiên cứu chọn tạo giống.

Về lâu dài, VSC định hướng phát triển chuyên sâu hoạt động nghiên cứu tạo sản phẩm mới, mảng sản xuất kinh doanh sẽ hợp tác với các doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm thị trường. Ngoài ra, VSC cũng mong muốn hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo giống để góp sức phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Ông Hòa chia sẻ, định hướng của VSC thể hiện con đường của một doanh nghiệp trưởng thành từ nghiên cứu khoa học, rồi đầu tư trở lại cho nghiên cứu khoa học để phát triển doanh nghiệp, đó là theo đuổi con đường KH&CN “đến nơi đến chốn” để khẳng định chỗ đứng của một doanh nghiệp KH&CN.

Vân Nguyễn (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả