SpStinet - vwpChiTiet

 

Sphacy: ứng dụng mua thuốc thông minh của người Việt

Với cách thức, tính năng sử dụng tương tự như các ứng dụng gọi xe thông minh (Grab/Uber/Goviet) phổ biến hiện nay, người dùng chỉ cần tải ứng dụng Sphacy - Customer về điện thoại di động và tiến hành đặt mua thuốc theo nhu cầu. Đây là một sản phẩm trong hệ sinh thái Smart Pharmacy (nhà thuốc thông minh), được một nhóm khởi nghiệp ở TP.HCM phát triển, nhằm giúp quá trình mua bán, quản lý thuốc, dược phẩm,…thuận lợi hơn.

Sáng tạo để giải quyết bài toán cộng đồng

Theo ông Vũ Văn Thành (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần SPHACY, quận 7, TP.HCM), Smart Pharmacy (gọi tắt là Sphacy) là hệ sinh thái phần mềm với các tính năng đặc thù riêng biệt, ứng dụng cho ngành dược phẩm. Sphacy gồm các phân nhánh: App Sphacy (ứng dụng cho nhà thuốc), Sphacy Customer (ứng dụng cho khách hàng), Sphacy Shop (phần mềm quản lý và bán hàng cho nhà thuốc), Sphacy Website (cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà thuốc), Sphacy Server (máy chủ quản lý tập trung và đổ dữ liệu vào hệ thống quản lý thông tin của Bộ Y tế và các cơ quan quản lý nhà nước).

Trong đó, Sphacy Customer cho phép người dùng mua thuốc mọi lúc, mọi nơi qua đặt hàng – giao hàng bằng cách tải ứng dụng (app) về và cài đặt trên điện thoại di động, máy tính bảng (hoặc các thiết bị điện tử thông minh chạy trên nền tảng công nghệ Androi và IOS). Khi sử dụng app để mua thuốc, hệ thống sẽ khai thác vị trí của người dùng, các yêu cầu (về loại thuốc, tên thuốc) để xử lý và phản hồi thông tin khi nhà thuốc chấp nhận yêu cầu. Ngoài ra, người dùng và nhà thuốc có thể trực tiếp trao đổi, tương tác, tư vấn về thuốc thông qua chức năng hội thoại (chat) trong ứng dụng.

Đại diện SPHACY cho biết, hiện nay Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể và quyết liệt trong việc kiểm soát kê đơn thuốc cho điều trị ngoại trú, bán thuốc kê đơn; quản lý việc cung cấp, phân phối thuốc; chấn chỉnh tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không rõ xuất xứ, chất lượng không đảm bảo; hướng đến công khai minh bạch trong quản lý thuốc, truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát thuốc kém chất lượng, bảo đảm lợi ích người bệnh, người dân, doanh nghiệp,…ví dụ như Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 – 2020” của Bộ Y tế; Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; Thông tư 02/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; Thông tư 03/2018/TT-BYT về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc;…

Tuy nhiên, các chính sách mới chỉ giúp các cơ quan chức năng quản lý được hệ thống phân phối thuốc mà chưa có công cụ hữu hiệu, thuận tiện, nhanh chóng giúp cho người dân biết được thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá cả của thuốc. Tình trạng người bệnh mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, quá hạn sử dụng, giá cả mỗi nơi mỗi khác còn nhiều; bác sĩ kê đơn thuốc theo tên thương mại mà không kê tên thuốc gốc khiến cho việc bán thuốc gặp nhiều khó khăn; việc tư vấn cách sử dụng thuốc còn hạn chế; bán thuốc không kê đơn tràn lan, làm cho tình trạng lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh tăng cao…

Như vậy, Sphacy, nơi công nghệ thông tin và các giải pháp đồng bộ được ứng dụng vào mọi hoạt động mua bán và tư vấn thuốc, sẽ mang lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý tại cơ sở kinh doanh, tạo sự chủ động cho người mua và người bán. Nói cách khác, Sphacy mang đến một hệ sinh thái nhất quán, đáp ứng được các yêu cầu của từng đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng thuốc.

Cụ thể, người dân, người bệnh dễ dàng tiếp cận các thông tin về thuốc; thuận tiện mua được các loại thuốc thiết yếu với giá cả hợp lý, ổn định, công khai, rõ nguồn gốc, đủ giấy phép, được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn,… Đối với các cơ sở kinh doanh - cung ứng thuốc, Sphacy giúp chủ động quản lý số lượng, chất lượng thuốc, nhóm thuốc, các loại thuốc; kiểm soát bán thuốc theo đơn, quản lý đơn thuốc, quản lý tư vấn bán hàng; lưu trữ thông tin người mua thuốc; có thêm kênh phân phối hàng hóa, thêm nguồn khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đối với bác sĩ, dược sĩ, Sphacy thông tin chi tiết về danh mục, hướng dẫn sử dụng, quy chế quản lý và quy định chuyên môn các thuốc gốc, thuốc cùng loại có thể thay thế, tên thuốc thương mại, thuốc biệt dược, thuốc cần quản lý đặc biệt, thuốc độc, thuốc gây nghiện, các loại thuốc đang lưu hành và không được lưu hành. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, dễ dàng truy xuất thông tin về số lô, số date, hạn dùng, số lượng và chủng loại thuốc đang sử dụng, tình trạng kê toa thuốc của bác sĩ, giá bán thuốc tại cơ sở, lượng thuốc đang phân phối trên thị trường và các nhu cầu khác phục vụ kiểm soát, quản lý.

Sphacy được nghiên cứu phát triển hoàn toàn tại Việt Nam, đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả vào ngày 21/9/2018. Sphacy cũng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu trong tháng 10/2018.

Được triển khai áp dụng vào thực tế tại TP.HCM và Hà Nội từ tháng 8/2018, đến nay Sphacy có gần 60 nhà thuốc tham gia kết nối, số lượng khách hàng đặt hàng thông qua app khoảng 500 người/tháng. Đề án “Nhà thuốc thông minh – Sphacy” sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên cả nước. Sản phẩm cũng được nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới, khai thác thế mạnh công nghệ công nghiệp 4.0.

Khởi nghiệp phải rất thực tế

Theo lãnh đạo SPHACY, khởi nghiệp là thực hiện một công việc mới, ý tưởng mới với mục đích là giải quyết một vấn đề xã hội đang tồn tại. Như vậy, khởi nghiệp phải gắn liền với thực tế. Ban đầu, khởi nghiệp nên gắn với những việc vừa tầm sẽ dễ thành công hơn. Điều quan trong nhất là sản phẩm phải mang lại lợi ích thực tế; người khởi nghiệp phải thực sự hiểu thị trường, hiểu về lĩnh vực đang hoạt động. Yêu cầu của người khởi nghiệp phải có là kiến thức, kinh nghiệm; tinh thần cầu thị, không tự ái; tính kiên định và phải trung thực.

Với kinh nghiệm của những người kinh doanh dược phẩm lâu năm, thấu hiểu những bất cập liên quan đến quá trình mua bán, kinh doanh, quản lý thuốc, dược phẩm, SPHACY đã gặt hái được những thành công bước đầu. Đây là cơ sở để SPHACY định hướng phát triển 15%/năm trong 3 năm kế tiếp; chiếm 30% thị phần trên thị trường nội địa. Trong đó, TP.HCM là thị trường mục tiêu, với số dân 8,5 triệu người, quy mô 550 triệu USD (chiếm khoảng 10% quy mô toàn thị trường).

Ông Vũ Văn Thành chia sẻ, quy mô thị trường là rất lớn, hướng đi của SPHACY theo đúng tinh thần chủ trương, chính sách của Nhà nước, đúng với nhu cầu thực tế của xã hội. Các chủ trương, chính sách và hỗ trợ của Nhà nước có vai trò quan trọng với sự sống còn của một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), do đó startup sẽ dễ thành công hơn khi được Nhà nước đặt hàng. Đang ở giai đoạn đầu khời nghiệp nên SPHACY ít nhiều còn gặp khó khăn về tài chính; kinh nghiệm triển khai nhân rộng quy mô thị trường, kinh nghiệm quản lý; các chuyên gia đầu ngành và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, khởi nghiệp, tư vấn và củng cố chuyên môn về sản phẩm cũng như kinh nghiệm gọi vốn, đối tác đầu tư,…

Vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các startup trong việc tiếp cận, kết nối doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để có tiếng nói chung; tạo cơ chế thống nhất, đồng bộ và các chính sách cụ thể hơn hơn trong việc hỗ trợ các startup.

Với mong muốn được hỗ trợ kết nối với các đối tác để triển khai sản phẩm và truyền tải thông điệp mà Sphacy đang hướng tới: "Lắng nghe cho cuộc sống khỏe đẹp hơn", SPHACY vừa tham gia Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (techport.vn) do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (trực thuộc sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) vận hành.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả