SpStinet - vwpChiTiet

 

Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ sâm Bố Chính

Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Chí Dũng, Lê Hữu Bảo Dương (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM) và cộng sự thực hiện nhằm xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ sâm Bố Chính (Abelmoschus moschatus (L.) Medik.) trên địa bàn TP.HCM và các vùng phụ cận, tạo tiền đề cho việc cung cấp sản phẩm cho các cơ sở chế biến dược phẩm trong và ngoài nước.

Sâm Bố Chính là cây thuốc mọc hoang dại và được trồng nhiều nơi ở nước ta. Tuy nhiên do đặc điểm riêng của từng địa phương nên chúng có tên gọi khác nhau như sâm Phú Yên, sâm Thổ Hào, sâm Báo,… Thực tế chúng có sự khác biệt về hình thái ngoài và chưa được nghiên cứu sâu về thành phần hóa học của rễ củ (bộ phận làm thuốc). Theo đông y, sâm Bố Chính có công dụng chữa cơ thể suy nhược, ít ngủ, lao phổi, kém ăn, trẻ em cam mồm, gầy còm chậm lớn, sốt và ho dai dẳng, viêm họng, viêm phế quản, kinh nguyệt không đều, đau lưng, hoa mắt, chóng mặt,...

Theo một số kết quả nghiên cứu trên sâm Bố Chính, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy có saponin triterpenoid xuất hiện trong thành phần của sâm Bố Chính, được xem là nhóm hợp chất có tác dụng quyết định những tác dụng dược lý điển hình của các cây họ nhân sâm (Araliaceae). Trong đó có tác dụng tăng lực, chống nhược sức. Qua khảo sát điều tra phân bố, điều kiện sinh học sinh thái của cây sâm Bố Chính cho thấy trữ lượng tương đối khá, tuy nhiên đây chỉ là trữ lượng tạm thời, không bền vững với tốc độ khai hoang, đô thị hóa hiện nay.

Với đề tài nêu trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đặc điểm sinh trưởng và phát triển của các loại sâm Bố Chính trên địa bàn TP.HCM; ảnh hưởng của liều lượng phân bón đến khả năng sinh trưởng và phát triển của sâm Bố Chính; ảnh hưởng của mật độ trồng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của sâm Bố Chính; xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ sâm Bố Chính.

Kết quả cho thấy, khả năng thích nghi của sâm Bố Chính thu thập tại An Hạ (Hợp tác xã Nông nghiệp trang trại An Hạ) và sâm Bố Chính thu thập tại Phú Yên tương đương nhau khi trồng trên địa bàn TP.HCM. Trong cùng một điều kiện canh tác, sâm Bố Chính thu thập tại Phú Yên có trọng lượng trung bình củ, tiềm năng năng suất và năng suất thu hoạch cao hơn so với sâm Bố Chính thu thập tại An Hạ với các giá trị lần lượt là: trọng lượng trung bình củ tươi 30,7g, trọng lượng trung bình củ khô 28,1g, tiềm năng năng suất 5116kg/ha, năng suất thu hoạch 4142,1kg/ha so với 27,4g, 25,3g, 4568,8kg/ha và 3441,9kg/ha.

Liều lượng phân bón thích hợp khi trồng sâm Bố Chính theo hướng dẫn hữu cơ trên địa bàn TP.HCM là 35 tấn phân bón + 8 tấn tro trấu + 8 tấn mụn dừa (độ ẩm 40-45%) + 500 kg vôi bột + 2 tấn Cugasa/ha. Lượng phân bón qua các thời kỳ như sau:

- Bón lót: 20 PB + 5 TT + 5 MD (độ ẩm 40-45%) + 0,5 vôi + 0.5 Cugasa.

- Bón thúc (ở các giai đoạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng sau trồng): 5 PB + 1 TT + 1 MD (độ ẩm 40-45%) + 0.5 Cugasa.

Khoảng cách trồng thích hợp khi trồng sâm Bố Chính theo hướng hữu cơ trên địa bàn TP.HCM là 20 x 20cm. Mô hình sản xuất sâm Bố Chính theo hướng hữu cơ cho thấy đảm bảo đầy đủ các thành phần hoạt chất bên trong củ sâm Bố Chính.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả