Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các khu dân cư vùng phía Nam TP.HCM
Lam Vân
18/02/2019
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Phú Bảo và cộng sự (Viện Nhiệt đới môi trường) thực hiện nhằm hoàn chỉnh kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) cho vùng phía Nam và kịch bản về phát triển khu dân cư ở vùng phía Nam TP.HCM; đánh giá tác động do BĐKH đến các khu dân cư vùng phía Nam thành phố, sự tổn thương của các khu dân cư, dân số do tác động của BĐKH và đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp.
Dựa trên cơ sở kịch bản BĐKH 2016 của TP.HCM do GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng xây dựng, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho vùng phía Nam. Đồng thời xây dựng kịch bản phát triển kinh tế xã hội khu dân cư vùng phía Nam dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế xã hội TP.HCM đến năm 2025 và các tiêu chí ứng phó với BĐKH của ADB (Ngân hàng phát triển châu Á) và WB (Ngân hàng thế giới).
Vùng phía Nam TP.HCM (quận 7, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) do đặc thù địa hình tự nhiên là vùng đất thấp nên khu vực này chịu ảnh hưởng mạnh bởi tác động của BĐKH, nhất là nước biển dâng. Trong tương lai gần (2025), tác động BĐKH gia tăng nhưng không đáng kể với chỉ số tổn thương VI-IPCC tăng khoảng 1%. Song tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH đến vùng này là nước biển dâng, đến khoảng năm 2050, diện tích ngập úng ở các quận/huyện nêu trên gia tăng từ 3-40 lần tùy theo từng kịch bản (RCP 4.5, RCP 6.0 hoặc RCP 8.5).
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá tác động của BĐKH đến các khu dân cư vùng phía Nam dựa vào hiện trạng năm 2015 và kịch bản RCP 4.5 giai đoạn 2025; đề xuất được tiêu chí và giải pháp ứng phó dựa trên cơ sở cải thiện khả năng đáp ứng; xác định được thứ tự ưu tiên thực hiện các giải pháp ứng phó BĐKH cho khu dân cư vùng phía Nam thành phố.
Kết quả đánh giá tác động của BĐKH đến các khu dân cư vùng phía Nam tại hiện trạng năm 2015 và đến 2025 (kịch bản RCP 4.5) cho thấy, tác động của BĐKH là ở mức trung bình (PI trong khoảng 0,40-0,60); chỉ số tổn thương VI-IPCC là trung bình (VI-IPCC = 0,431-0,537), không có sự chênh lệch đáng kể giữa các quận, huyện. Đây là vùng có tính dễ bị tổn thương với các chỉ số tác động lớn hơn chỉ số khả năng đáp ứng (PI>AC) ở hầu hết các quận, huyện.
Nhóm tác giả đề xuất, trong tương lai gần (2025), việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật như nâng cos nền, chống ngập, cải thiện vệ sinh y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng,... là quan trọng. Các giải pháp thích ứng ưu tiên cho ứng phó BĐKH là lồng ghép quy định về hệ thống đèn chiếu sáng công cộng và dân lập sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện; thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng cũ tiêu tốn nhiều điện năng sang đèn tiết kiệm điện; xây dựng hồ điều tiết kết hợp công viên giải trí đa chức năng; nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của mạng lưới xe buýt hiện hữu; mảng xanh, mặt nước (tạo vùng đệm xanh); tận dụng diện tích mái để lắp đặt pin mặt trời nối lưới;...