Thuyết phục “sân nhà” bằng khẳng định trên thị trường quốc tế
Trịnh Thị Bích Thảo hiện là Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Cổ phần đầu tư Anni (TP.HCM). Cô gái nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực này đã chọn con đường khởi nghiệp mạo hiểm khi đưa Anni Coffee ra chinh chiến trên trường quốc tế để khẳng định thương hiệu cà phê Việt, rồi quay về thị trường nội địa. Anni Coffee đã thành công ngoài mong đợi, khi xuất khẩu được vào thị trường Mỹ (tháng 1/2016) ở thời điểm khởi nghiệp chỉ vừa được 8 tháng. Đến nay, Anni Coffee đã được các thị trường Mỹ, Sigapore, Úc, Campuchia tiêu thụ khoảng 100 tấn thành phẩm/năm. Không chỉ thế, Anni Coffee còn được phân phối trên hệ thống Amazon và nhận được nhiều phản hồi tốt của khách hàng tại Mỹ, châu Âu (qua công cụ đánh giá, nhận xét sản phẩm) sau khi trải nghiệm sản phẩm trên hệ thống này.
Hiện Anni Coffee đang được kinh doanh với các dòng sản phẩm chính như: cà phê bột Anni truyền thống (pha phin, máy pha cà phê tự động); cà phê hạt Anni Blend (pha máy); cà phê hạt rang xay Arabica; cà phê hạt rang xay Robusta; cà phê pha máy tự động Blue Mountain 2oz; cà phê Espresso, cà phê chồn,… Lợi thế của Anni Coffee là sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn FDA (Hoa Kỳ), không sử dụng sản phẩm biến đổi gen (Non – GMO); không sử dụng hương liệu, phụ gia, chất bảo quản; quy trình sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu đến rang xay, đóng gói và vận chuyển đến tay người tiêu dùng; giá cả hợp lý theo từng phân khúc khách hàng, đảm bảo chất lượng từng sản phẩm. Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm cũng được chú trọng từng chi tiết cụ thể và đảm bảo quy chuẩn đóng gói có van thở cà phê để bảo vệ hạt cà phê; sử dụng giấy kraft tự hủy thân thiện môi trường, túi 4 lớp (2PE, 1 bạc, 1 lớp giấy) theo chuẩn đóng gói quốc tế. Với kinh nghiệm và sự đầu tư nghiêm túc vào công nghệ chế biến, Anni tuân thủ đúng quy trình sản xuất nghiêm ngặt cho sản phẩm xuất khẩu và gu (gout - sở thích) cà phê pha máy chuyên nghiệp theo chuẩn châu Âu.
Bích Thảo chia sẻ, để đạt được những thành quả này, cô đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách, từ việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chuẩn, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đến định hướng sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, thị trường,…
Khởi nghiệp năm 2015, khi thị trường trong nước bùng nổ nhiều thương hiệu cà phê, Anni Coffee là “tân binh” nhưng lại có giá cao gấp hai, ba lần so với mặt bằng chung; người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến thực phẩm sạch, nên chưa có kinh nghiệm phân biệt cà phê “100% nguyên chất” với cà phê trộn tẩm các loại hương liệu hóa chất. Thị hiếu vẫn chuộng các loại sản phẩm giá thành rẻ, độ sánh cao, đậm mùi hương và đen sậm. Do vậy, Anni Coffee gần như "bị từ chối” ở thị trường trong nước.
Tuy nhiên, với niềm đam mê và hiểu biết về cà phê, Thảo dành thời gian tìm hiểu thị trường và sản phẩm để mở lối đi mới cho mình. Nữ CEO quyết định “dồn lực” vào sản xuất sản phẩm cho xuất khẩu. Để đảm bảo chất lượng, các sản phẩm của Annicoffee phải qua quy trình chế biến với hơn 20 công đoạn khác nhau để chọn lọc, phân loại và tách tạp chất, các hạt lỗi, kém chất lượng. Đồng thời, nguồn nước và hệ thống lọc, xử lý nước thải của nhà máy cũng được đầu tư hiện đại và khép kín nhằm đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào luôn đồng nhất.
Khi đã đạt các tiêu chuẩn và thông quan tiêu thụ tại những thị trường khó tính như Mỹ, Singapoe,… Anni Coffee trở về “sân nhà” để phục vụ cho người tiêu dùng trong nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, Anni Coffee đã được phân phối tại 60 cửa hàng, điểm bán lẻ ở 20 tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, sản phẩm có mặt ở hầu hết các kênh thương mại điện tử lớn (như Tiki, Lazada, Sendo, Shopee, Adayroi,…) với hơn 4.000 khách hàng trong và ngoài nước. Rất được khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam ưa chuộng, nên Anni Coffee đã có mặt ở hầu hết các cửa hàng bán lẻ tại các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Nha Trang, Vũng Tàu, Huế, Hội An, Cần Thơ, Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc,… Số lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa hiện đạt 1,5 tấn thành phẩm/tháng.
Tìm giá trị thật phục vụ cộng đồng và xã hội
Thành công với mục tiêu đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường nội địa và quốc tế, nữ CEO Anni đã kiên định chứng minh con đường khởi nghiệp tạo ra giá trị thật, phục vụ cho cộng đồng, xã hội.
Xác định trở thành chuyên gia đầu ngành, Anni Coffee quy tụ đội ngũ nhân sự trẻ có kiến thức, đam mê, sáng tạo, có khả năng đóng góp cho ngành cà phê về các lĩnh vực trồng trọt, chế biến, rang xay, thành phẩm và pha chế. Đồng thời, ứng dụng kiến thức thực tiễn đào tạo các lĩnh vực phụ trợ cho ngành; phát huy và tạo ra công nghệ, sáng tạo khai thác nguồn lực và khai thác tối đa nguồn nguyên liệu sản xuất, tạo giá trị sản phẩm đa dạng trong ngành thực phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe con người.
Với slogan “Tinh hoa Việt khơi dậy tiềm năng Việt”, Anni đang nỗ lực tạo nên chuỗi giá trị phục vụ xã hội, nâng tầm giá trị tinh hoa cà phê Việt. Do vậy, không chỉ được cung cấp sản phẩm chất lượng quốc tế trên thị trường nội địa, người Việt cũng có thể tiếp cận văn hóa cà phê thế giới thông qua cách thức bán hàng trên các kênh thương mại điện tử cùng hàng loạt sản phẩm thiết bị, dụng cụ, máy móc pha chế được Anni cung cấp nhằm phục vụ việc thưởng thức cà phê theo các phong cách khác nhau trên thế giới như Đức, Nhật, Pháp, Mỹ,…
Về kinh nghiệm của Anni, theo nữ CEO, nếu chỉ xác định khởi nghiệp để kiếm tiền thì sẽ không đủ khả năng duy trì hoạt động. Với Anni, khởi nghiệp là nhằm mang lại giá trị cho cộng đồng, cụ thể là mang lại "cà phê đúng nghĩa" cho người Việt. Muốn vậy, cần phải kiên trì, không dễ dàng từ bỏ ước mơ. Nếu chưa dành được 1.000 giờ cho việc muốn thực hiện thì chưa nên khởi nghiệp. Song song đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, trải nghiệm nhiều hơn và sẵn sàng chinh phục mọi thử thách. Với Anni, làm ra cà phê chất lượng không khó bằng việc xây dựng thương hiệu và đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Để định vị thương hiệu, điều đầu tiên startup cần làm là duy trì chất lượng sản phẩm đồng nhất (cùng chứng nhận tiêu chuẩn); nghiên cứu đáp ứng thị hiếu của khách hàng nhằm mang lại giá trị phục vụ cao nhất. Anni hiện được nhiều khách hàng trong nước đón nhận nhờ vừa đáp ứng yếu tố truyền thống, lại phù với hợp xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, nguyên chất, thanh nhẹ, bảo vệ sức khỏe.
Anni sẽ tiếp tục tiến ra thế giới bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu thành phẩm và chinh phục những thị trường mới để tăng giá trị cho cà phê Việt Nam. Với thị trường nội địa, Anni tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp (phân phối tại các khách sạn 4-5 sao) ở các thành phố lớn trên cả nước, chứng minh sản phẩm có thể cạnh tranh trực tiếp về chất lượng với cà phê châu Âu, Mỹ.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, bên cạnh những nỗ lực tự thân, Anni mong muốn được kết nối, hỗ trợ truyền thông, quảng bá marketing sản phẩm; hỗ trợ kết nối vốn đầu tư để phát triển thị trường, nhất là được tạo điều kiện thiết thực trong việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ công khai. Đây cũng là lý do Anni tham gia Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM (www.techport.vn) do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ vận hành.
Lam Vân (CESTI)