Đề tài nhằm nghiên cứu, xây dựng được sổ tay hướng dẫn lựa chọn công nghệ phù hợp đối để xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đất ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.
Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
+ Đề tài đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá các loại hình công nghệ xử lý ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Tiêu chí được xây dựng theo 2 giai đoạn gồm tiêu chí lựa chọn phương pháp xử lý và tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý kèm theo quy trình hướng dẫn, các thang điểm trọng số và các hình minh họa để người đọc dễ tham khảo, sử dụng.
+ Dựa trên kết quả áp dụng tiêu chí để đánh giá các công nghệ xử lý đất nhiễm, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp và đề xuất các loại hình công nghệ phù hợp để xử lý ô nhiễm môi trường đất do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Việc lựa chọn công nghệ sẽ ưu tiên đối với các công nghệ có khả năng áp dụng ở Việt Nam (loại trừ các công nghệ mới và cần thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ phức tạp). Ngoài ra, đề tài đã đi sâu nghiên cứu, xây dựng các yêu cầu kỹ thuật cho từng loại hình công nghệ này khi áp dụng thực tế phù hợp với các điều kiện ở nước ta.
+ Thông qua các nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá công nghệ; nghiên cứu, đánh giá các nhóm loại hình công nghệ nêu trên, đề tài đã tiến hành xây dựng Sổ tay về công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường đất.
+ Đề tài đã đi khảo sát thực tế tình hình thực hiện các dự án xử lý, cải tạo phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước (Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị). Lấy mẫu đất và phân tích trong phòng thí nghiệm. Các chỉ tiêu phân tích tập trung chủ yếu vào các loại hóa chất bảo vệ thực vật Clo hữu cơ; theo phương pháp EPA. Mỗi điểm ô nhiễm lấy 10 mẫu, bao gồm 5 mẫu tại khu vực xử lý đất ô nhiễm nặng và 5 mẫu tại khu vực ô nhiễm nhẹ xung quanh. Những điểm nghi ngờ ô nhiễm nặng, nhóm nghiên cứu lấy 15 mẫu phân tích.
Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu theo hướng hiệu quả, tiết kiệm chi phí xử lý, thân thiện với môi trường đồng thời kết quả nghiên cứu này còn là cơ sở lý luận và thực tiễn để lựa chọn, phát triển và áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường ứng dụng cho các loại hình xử lý POP khác tại Việt Nam.