Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát thực trạng và nhu cầu dạy thêm, học thêm của các khách thể có liên quan như giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà trường, trung tâm, cơ sở dạy thêm; các đơn vị quản lý giáo dục có liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, ban giám hiệu các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, trên địa bàn TP.HCM hiện nay tồn hai loại hình dạy thêm, học thêm cơ bản: dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường và dạy thêm, học thêm được tổ chức ngoài nhà trường. Ở cả hai loại hình đều phải tuân thủ các quy định về dạy thêm, học thêm hiện hành. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ học sinh phổ thông hiện nay đi học thêm là rất lớn và việc đi học thêm này xuất phát từ chính nhu cầu chính đáng của các em và phụ huynh. Về phía nhà trường, hoạt động dạy thêm trong nhà trường bao gồm việc tổ chức dạy ôn thi cuối cấp, thu tiền theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, nhà trường đăng ký dạy thêm ngoài giờ học chính khóa được Phòng Giáo dục hoặc Sở Giáo dục cấp phép theo quy định. Việc quản lý hoạt động này trên địa bàn thực hiện theo Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 06/6/2014 của UBND TP.HCM ban hành Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn Thành phố và Quyết định số 1844/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 của UBND TP.HCM về hủy bỏ Điều 5 Quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn TP.HCM bàn hành kèm theo Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 06/6/2014 của UBND TP.HCM. Từ tháng 9/2014, việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường được công văn 3097/GDĐT-TrH của Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường THCS và THPT trên địa bàn Thành phố thực hiện đúng các quy định về tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường.
Tuy nhiên, việc dạy thêm ngoài nhà trường đa dạng loại hình: trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, trung tâm dạy thêm học thêm, dạy tại nhà, nhóm dạy, dạy kèm. Do vậy, việc quản lý rất phức tạp và đôi phần còn gặp nhiều khó khăn, không thể quản lý chặt chẽ.
Về phía giáo viên, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc dạy thêm của giáo viên là: nội dung chương trình chính khóa nhiều không thể dạy hết trên lớp, nguyện vọng muốn tăng thêm thu nhập của giáo viên và do mong muốn của phụ huynh. Về thu nhập trung bình hàng tháng từ dạy thêm của giáo viên trong mẫu khảo sát khoảng 5 triệu đồng, có mức dao động và chênh lệch, lớn nhất là 20 triệu đồng và thấp nhất là 300 ngàn đồng. Ở mỗi loại hình dạy thêm, giáo viên đều đạt được mức thu nhập cao nhất từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Giáo viên THPT có thu nhập cao hơn giáo viên cấp THCS, đặc biệt giáo viên có thâm niên từ 10-15 năm có chuyên môn dạy các môn chính (như Toán, Lý, Hóa, Anh văn, Văn) có thu nhập cao nhất và là đối tượng có xu hướng dạy thêm tại nhà riêng nhiều hơn. Tính theo tổng thu nhập trung bình một tháng đối với giáo viên có dạy thêm, thì nguồn thu từ lương, từ dạy thêm và các khoản khác thấp nhất là hơn 7,5 triệu đồng/tháng và cao nhất là từ 25 triệu đồng trở lên. Tùy tần suất giáo viên dạy theo ca, số môn, số tiết và địa điểm dạy cho thấy, mức thu nhập của giáo viên dạy thêm các môn chính là khá cao đến rất cao.
Ưu điểm của dạy thêm hiện nay là hỗ trợ, bồi dưỡng cho học sinh học tập và nâng cao thu nhập cho giáo viên, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Điểm bất cập tạo ra từ dạy thêm là có sự chênh lệch trong thu nhập của giáo viên giữa giáo viên dạy môn chính và các môn phụ; giáo viên phải đóng phí cho các cơ sở, trung tâm dạy thêm quá cao, trong khi những giáo viên dạy thêm tại nhà thì lại không đóng thuế thu nhập cá nhân; một số giáo viên dạy kèm chưa đạt chuẩn nên khó kiểm soát được chất lượng giảng dạy,…
Thực tế cho thấy, dạy thêm và học thêm không chỉ tập trung ở những lớp cuối cấp các trường phổ thông mà ở tất cả các cấp học, ngay cấp tiểu học. Ở học sinh cấp học nhỏ thì việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của định hướng học tập của phụ huynh đối với con em. Ở học sinh cấp lớn hơn thì nhu cầu học thêm xuất phát từ chính bản thân các em. Việc học thêm tập trung nhiều ở cấp THPT do các em phải tập trung học để chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng, những kỳ thi được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập lên cao và quyết định về nghề nghiệp sau này.
Các môn học được các em lựa chọn học thêm tập trung vào các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn và Văn. Học sinh THPT đánh giá mức độ cần thiết cao hơn học sinh THCS. Lý do các em đi học thêm là do bản thân muốn có thành tích cao hơn, giỏi hơn trong học tập. Tuy nhiên, việc học chính khóa tại trường và thời gian dành cho học thêm chiếm hầu hết quỹ thời gian của các em.
Đề tài đã đưa ra các giải pháp và kiến nghị để quản lý dạy thêm, học thêm, cụ thể như:
+ Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: trong khi chờ đợi chương trình mới được áp dụng, ngành giáo dục và đào tạo cần thực hiện theo mục tiêu “giáo dục toàn diện”; thay đổi hình thức đánh giá, thi cử, thành lập đơn vị đánh giá độc lập chất lượng giáo dục; đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng số tiết thực hành chất lượng đào tạo các môn học chính,…
+ Đổi mới chính sách dạy thêm, học thêm, thay đổi một số bất cập trong Thông tư 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cho phép dạy thêm trong tất cả loại hình nhà trường phổ thông và ngoài nhà trường, có cơ chế giám sát, thanh tra và phối hợp quản lý cụ thể. Cho cấp phép các loại hình dạy tại nhà trên 50 học sinh hoặc thu nhập trên 10 triệu đồng với các yêu cầu cụ thể và cho phép dạy học theo nhóm từ 6-10 học sinh có báo cáo cho Phòng Gíao dục và Đào tạo để quản lý. Trường hợp dạy kèm dưới 5 học sinh thì không cần khai báo. Bỏ các quy định về việc cấm giáo viên giảng dạy học sinh của mình đang dạy chính khóa, nhưng tăng cường quy định xử lý kỷ luật.
+ Đầu tư cơ sở vật chất, ngân sách cho giáo dục và thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau Trung học.
+ Phân bổ thời lượng khoa học và hợp lý cho học sinh có điều kiện học tập và nghỉ ngơi.
+ Định hướng dư luận về dạy thêm, học thêm tích cực. Trong đó, nhấn mạnh sự phối hợp ba bên: nhà trường - gia đình - xã hội. Cần thay đổi trong nhận thức, tư duy về thành tích học tập, về bằng cấp, điểm số của các bên. Đặc biệt là về mục tiêu học thêm, sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh vào con em, tránh tạo áp lực lên con em mình.