Các tai nạn do nguy hại của cây xanh vẫn diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố, cho nên vấn đề an toàn của cây xanh đường phố luôn luôn được xem xét ưu tiên. Sự an toàn của cây xanh đường phố phụ thuộc vào hai yếu tố: chủ quan (sức khỏe của cây) và khách quan (hoạt động xã hội). Tuy nhiên, việc quản lý tốt cây xanh không phải là không để xảy ra các nguy hại rủi ro gây ra bởi cây xanh mà sẽ làm giảm sự nguy hại này đến mức thấp nhất. Do vậy, mục tiêu của quản lý hiệu quả cây xanh đường phố dựa trên sự hiểu biết về hình thái, sinh trưởng và phát triển của nguồn cây trồng, tính thẩm mỹ, sự an toàn và thái độ của công chúng; nhận thức của các cơ quan quản lý của thành phố nhằm duy trì cảnh quan và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, cây xanh cần thiết phải được trồng, bảo dưỡng và thay thế hợp lý.
Nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu 21 loài cây xanh đường phố, gồm: Bàng Đài Loan (Terminalia molinetii), Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa), Bò cạp nước (Cassia fistula), Dầu con rái (Dipterocarpus alatus), Giá tỵ (Tectona grandis), Giáng hương (Pterocarpus indicus), Gõ mật (Sindora siamensis), Kèn hồng (Tabebuia rosea), Lát hoa (Chukrasia tabularis), Lim sét (Peltophorum pterocarpum), Long não (Cinnamomum camphora), Mặc nưa (Diospyros mollis), Me chua (Tamarindus indica), Me tây (Albizia saman), Nhạc ngựa (Swietenia mahagoni), Phượng vỹ (Delonix regia), Sao đen (Hopea odorata), Sấu (Dracontomelon duperreanum), Sọ khỉ (Khaya senegalensis), Trai tách (Berrya cordifolia), Viết (Mimusops elengi).
Kết quả nghiên cứu đã cung cấp bảng số liệu về một số đặc điểm hình thái của 21 loài cây xanh đường phố có thể được sử dụng như cơ sở dữ liệu để so sánh với cây bị khiếm khuyết khi cần thiết. Sử dụng công cụ máy resistograph giúp giải đoán được nội khiếm khuyết của cây nhờ kháng đồ từ lỗ khoan của máy. Sau đó có thể sử dụng kết quả giải đoán để theo dõi sức khỏe từng cá thể cây. Tỷ lệ chiều cao trên đường kính gốc của cây bị khiếm khuyết trong đa số trường hợp thấp hơn tỷ lệ này ở cây bình thường. Có thể dùng chỉ số kích thước lá để theo dõi sự suy giảm sức khỏe của bộ rễ của cây và tình trạng sức khỏe của cả cây. Công tác vườn ươm cần phải đảm bảo hệ rễ không mọc vòng quanh trong một không gian hẹp để tránh hiện tượng “cây tự siết và thắt cổ”. Khi di dời cây, cần tôn trọng vùng bảo vệ rễ để cây có khả năng tiếp tục sống và phát triển. Khi trồng, cần chuẩn bị không gian trồng rộng (tối thiểu 1,2–1,5 đường kính tán cây). Hố trồng không bị bao quanh bởi các vật liệu cứng. Trong mọi trường hợp, không lấp cổ rễ tránh hiện tượng hệ rễ bị ngộp và tạo rễ mới trồi, rễ vòng sẽ dẫn đến hiện tượng “cây tự siết và thắt cổ”.
Bảo dưỡng, chăm sóc sức khỏe cây trồng cũng cần lưu ý đến côn trùng gây hại. Trong 21 loài khảo sát, 11 loài phát hiện có côn trùng gây hại, trong đó Dầu con rái (28,57%) và Me tây (23,81%) là 2 loài có tỷ lệ bị tấn công cao nhất. Thân cây là bộ phận bị côn trùng gây hại nhiều nhất. Tuy nhiên, mức độ gây hại thường dừng ở lớp vỏ ngoài, cây vẫn sống được. Đề tài cũng ghi nhận 16 loài côn trùng, trong đó bộ Cánh cứng (Coleoptera) có số loài gây hại cao nhất, chiếm 50% (8 loài). Mối (Coptotermes cf. travians Halv) là loài gây hại nguy hiểm và phổ biến nhất (những cây bị loài này tấn công gồm Bằng lăng, Dầu con rái, Lim sét, Long não, Mặc nưa, Phượng vỹ và Sấu). Loài sâu bướm (Lymantria sp.) và sâu bao (Pteroma plagiophleps Hampson) là 2 loài sâu gây rụng lá làm mất mỹ quan đô thị, đồng thời có thể dẫn đến suy yếu, làm giảm sức sống cây nên cần nghiên cứu sâu hơn để có phương pháp ngăn chặn và phòng trừ hiệu quả.
Nấm cũng là một yếu tố quan trọng, có tầm ảnh hưởng đối với cây xanh. Các loài phổ biến được tìm thấy qua khảo sát của đề tài là Marasmiellus palmivorus (trên cây Bằng lăng); Crinipellis setipes, Favolus aff. tenuiculus (trên cây Dầu con rái); nhóm Inonotus henanensis (trên cây Sao đen) và nhóm Ganoderma multipileum (trên cây Phượng vỹ, Lim sét). Nhóm Ganoderma multipileum được xem là một trong những nhóm nấm phổ biến gây mục trắng ở các loài cây thân gỗ.