SpStinet - vwpChiTiet

 

Điều tra tình hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP.HCM

Đề tài do các tác giả Nguyễn Thị Thu Trang, Ngô Trần Vũ và cộng sự (Trung tâm Dạy nghề Nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM) thực thực hiện nhằm khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất rau an toàn (RAT) trên địa bàn TP.HCM; phân tích, đánh giá tình hình phát triển RAT ứng dụng CNC trong sản xuất; đưa ra một số giải pháp trong hoạt động đào tạo dạy nghề nhằm phát triển RAT ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Phát triển RAT ứng dụng CNC là xu hướng hiện tại được nhà nước và các tổ chức cũng như nhiều hộ sản xuất quan tâm, bởi nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng ngày càng cao. Qua số liệu 2011–2015 cho thấy, trên địa bàn TP.HCM đang cần một số lớn lượng RAT. Trong khi đó nơi đây chỉ đáp ứng nhu cầu 30-40%, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh lận cận như tỉnh Lâm Đồng 50%, Bình Dương, Long An, Đồng Nai,… khoảng 10-20%.

Qua quá trình điều tra và khảo sát 150 hộ sản xuất rau trên địa bàn 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh, nhóm tác giả đưa ra một số nhận định về thực trạng sản xuất RAT như sau: sản xuất mang tính tự phát, diện tích sản xuất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu hàng hóa; trình độ chuyên môn của chủ hộ sản xuất chỉ dừng lại ở mức có tham gia các chương trình tập huấn sản xuất do trạm khuyến nông địa phương tổ chức; số lượng hộ sản xuất có chứng chỉ sơ cấp nghề và trung cấp nghề chiếm tỷ lệ thấp (tại Củ Chi là 22%, Hóc Môn 16% và Bình Chánh 6%); hình thức sản xuất chủ yếu là nhà lưới tạm bợ hoặc không có màng lưới phủ bên ngoài, số hộ sản xuất trong nhà màng kiên cố chiếm tỷ lệ thấp; nguồn nước tưới tiêu chủ yếu là nước giếng khoan, nước kênh rạch; hình thức tưới bằng máy bơm hay máy bơm có thêm bét phun; tình hình sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất chủ yếu là các máy cày cầm tay mini phục vụ cho làm đất trước khi trồng; năng suất sản xuất rau trong nhà màng kiên cố cao hơn so với sản xuất nhà màng tạm bợ; chưa có sự liên kết giữa các hợp tác xã với nhau cũng như các doanh nghiệp thu mua RAT, chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm; giá cả thị trường tiêu thụ còn nhiều bấp bênh; mức độ hiểu biết về RAT của người tiêu dùng còn hạn chế, các thương hiệu sản xuất RAT chưa được đẩy mạnh.

Đề tài đưa ra một số giải pháp phát triển sản xuất rau ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, cần tập trung nghiên cứu những giống rau phù hợp điều kiện từng khu vực, đa dạng về chủng loại; đầu tư ứng dụng CNC trong sản xuất rau (cần làm thí điểm tại mỗi khu vực từ 2-3 mô hình ứng dụng CNC nhằm khuyến khích người dân); quảng bá thương hiệu RAT để tìm thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa về chủng loại rau, trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao, tận dụng lợi thế sản xuất trong nhà màng là không bị ảnh hưởng của thời tiết đề sản xuất các loại rau trái mùa, bên ngoài không trồng được để mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.

Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho bà con nông dân ở các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Các tài liệu học tập mang tính thực tiễn sản xuất, không quá đặt nặng vấn đề lý thuyết, các quy trình sản xuất mang tính đại trà nên phổ biến rộng rãi cho nông dân. Trong tổ chức sản xuất, quy tụ các chuyên gia, xây dựng các mô hình mẫu cho nông dân tham quan, học tập. Xây dựng các chương trình đào tạo tập trung vào ứng dụng CNC trong sản xuất, để người học thấy rõ sự khác biệt, nhằm mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho học viên hơn.

Về chuyển giao công nghệ, cần xây dựng các quy trình canh tác phù hợp, đạt năng suất, chất lượng cao. Từ đó, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật lại cho nông dân cũng như các tổ chức có liên quan. Hàng năm, cần tổ chức các hội nghị, hội thảo về an toàn thực phẩm, sản xuất RAT, trong đó có sự tham gia của 3 đối tượng: nhà khoa học, nhà nông và nhà kinh doanh. Xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn điển hình, mô hình mẫu cho nông dân tham quan, học hỏi, bên cạnh đó giới thiệu các tấm gương nông dân sản xuất giỏi. Tìm hiểu kỹ thuật canh tác mới, ứng dụng công nghệ mới áp dụng trong sản xuất RAT, cũng như các kỹ thuật phù hợp với nền nông nghiệp đô thị (thủy canh, khí canh); tìm hiểu, nghiên cứu các qui trình bảo quản sau thu hoạch để đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả