Tại cuộc họp Ban điều hành Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) tổ chức chiều 9/5, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã đề nghị các thành viên cho ý kiến về việc bổ sung thêm hai nhiệm vụ phát triển trong kế hoạch năm 2019 - 2020 là hình thành Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và phát triển thị trường cho người khởi nghiệp.
Trung tâm này là nơi để các nhóm khởi nghiệp có thể hoàn thiện ý tưởng ban đầu bằng cách đến thử chế tạo, sản xuất vật mẫu, phát triển sản phẩm để doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ở nhiệm vụ hỗ trợ phát triển thị trường các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp, Thứ trưởng Trần Văn Tùng lý giải, doanh nghiệp làm ra sản phẩm phải có nơi tiêu thụ. Tuy nhiên do đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm, vốn ít... nên rất cần hỗ trợ bước đầu để tạo cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường.
Mô hình khởi nghiệp sáng tạo nuôi tôm thông minh tại Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Đông.
Hiện có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đang được thực hiện như miễn, giảm thuế, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn từ khoản thu nhập từ khoản đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo...
Với các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được công nhận quyền tài sản đối với quyền sở hữu, quyền sử dụng và các quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và cho phép sử dụng quyền này như tài sản đảm bảo cho giao dịch vay vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; Cho phép sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Các tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng được ưu đãi về thuế.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại cuộc họp Ban điều hành Đề án 844
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ cho biết, hiện chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang có sự cải thiện, minh chứng bằng số lượng vốn đầu tư liên tục tăng. Năm 2018 đã thu hút gần 900 triệu USD đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (gấp 3 lần so với thống kê năm 2017). Hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang có sức hút mạnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ trong khu vực và trên thế giới. Ngày càng nhiều tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư nước ngoài như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures... mở văn phòng đại diện hoặc có đối tác tại Việt Nam.
Tuy nhiên, giới chuyên môn đều cho rằng cần có thêm những giải pháp hỗ trợ để các nhà khởi nghiệp có ý tưởng khả thi hoàn thiện sản phẩm đưa ra thị trường và kinh doanh thành công trên chính sản phẩm đó.
Hải Minh