SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển lực lượng trung gian để tăng hiệu quả sáng chế của người Việt

Giống như bất động sản, có cung ắt có cầu nhưng cần trung gian kết nối các nguồn lực để ngày càng có nhiều sáng chế được đăng ký.

Ngày 9/5, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức tọa đàm "Vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế - xã hội" có sự tham gia của nhiều chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đại diện các bộ ngành. Cuộc tọa đàm tổ chức trong bối cảnh Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia của Việt Nam đang được xây dựng và sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2019.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, để xây dựng dự thảo Chiến lược, Ban soạn thảo và Tổ biên tập được thành lập với sự tham gia của các thành viên đến từ các bộ, ngành, tư vấn của các chuyên gia WIPO... Tuy nhiên làm thế nào để gắn kết nội dung sở hữu trí tuệ vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khi Chiến lược được ban hành trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vấn đề mong nhận được tư vấn từ chuyên gia.

Theo đó 5 câu hỏi tập trung làm rõ làm thế nào để Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia là một thành phần quan trọng của hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia, từ đó thúc đẩy sáng tạo của mỗi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong xã hội; các giải pháp thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa tài sản trí tuệ đối với các trường đại học, nhóm khởi nghiệp sáng tạo và các doanh nghiệp ứng dụng và khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh? Việc hỗ trợ chính sách và công cụ cho các doanh nghiệp từng bước có được chiến lược sở hữu trí tuệ của riêng mình?...

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đặt câu hỏi với chuyên gia.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đặt câu hỏi với chuyên gia.

Ông Andrew Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương, WIPO cho rằng, cần liên kết tất cả các nguồn lực, thúc đẩy sự sáng tạo năng động trong khu vực tư nhân. Chú trọng hơn nữa đến các viện/trường để có những nghiên cứu và công nghệ phù hợp hơn, gia tăng số lượng đơn đăng ký của người Việt Nam so với nước ngoài. Để làm được, cần có hệ thống sở hữu trí tuệ được quản lý đồng bộ (phối hợp giữa chính phủ, quốc gia, khối học thuật, cá nhân, doanh nghiệp, viện/trường...). Đây cũng là điều mà Hàn Quốc và Trung Quốc đã làm trong 5 năm qua.

Ông Andrew Ong cũng gợi ý Việt Nam cần xây dựng đội ngũ trung gian kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu. Các văn phòng chuyển giao công nghệ có thể trở thành nơi kết nối các mạng lưới các nguồn lực này để ngày càng có nhiều sáng chế. "Chỉ khi một quốc gia tạo ra được nhiều sáng chế thì các bên sẽ tự có nhu cầu và kiến thức bảo vệ sản phẩm sở hữu trí tuệ của họ và người khác", ông Andrew Ong nói.

Ông Andrew Ong phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Văn Nguyên.

Ông Andrew Ong phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Văn Nguyên.

Ông Scot Morris, chuyên gia tư vấn xây dựng của WIPO cho rằng, sẽ có thách thức khi kết nối chủ thể sáng tạo và doanh nghiệp, nhưng một trong các cách thức quan trọng là Chiến lược cần có các điều khoản khen thưởng khuyến khích đơn vị thực thi tốt.

Lấy ví dụ về hệ thống quyền tác giả được thực hiện bởi Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa Thông tin bao gồm các quyền tiếp cận, kết nối các tổ chức...Tuy nhiên, để các chủ thể sáng tạo ra các sản phẩm mới thì chính sách phải thật sự hữu ích mới khuyến khích doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm hữu ích trong bối cảnh công nghiệp số.

Thực tế số lượng sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng, các tác phẩm văn học - nghệ thuật của Việt Nam được tạo ra và được bảo hộ không ngừng gia tăng trong những năm qua, nhưng số lượng tài sản trí tuệ có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam không nhiều, ít sản phẩm có giá trị cao, ít sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao trong khu vực cũng như toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia được xây dựng và khi được ban hành sẽ là dấu ấn giúp kinh tế phát triển, từ đó mỗi ngành sẽ xây dựng chiến lược cho riêng mình. Theo đó Chiến lược phải có cách tiếp cận, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình triển khai phù hợp, không tách rời với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội. Cần phải nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; quan tâm đến nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ, ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tất cả những yếu tố trên đóng vai trò quan trọng trong khuyến khích nghiên cứu, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo.

Bích Ngọc

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả