Chè (Camellia sinensis L.) là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất ở Việt Nam và trên thế giới nhờ hương vị đặc trưng và các tác dụng sinh học quan trọng (như chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm, chống dị ứng, chống ung thư). Tuy nhiên, lá chè chứa 2-5% cafein - một loại alcaloid có tác dụng kích thích thần kinh, nếu sử dụng thường xuyên và quá mức sẽ gây nhiều tác dụng bất lợi (như kích ứng đường tiêu hóa; hồi hộp, mất ngủ; nhịp tim nhanh, tăng huyết áp; nguy cơ dị tật thai nhi, sẩy thai và thai chết lưu). Do đó, việc nghiên cứu để loại bỏ cafein từ chè luôn thu hút sự quan tâm lớn của các nhà khoa học.
Montmorillonit (MMT) là một loại khoáng sét thuộc nhóm smectit, có nguồn gốc từ các nham thạch núi lửa, được khai thác tự nhiên, tinh chế và biến tính phù hợp theo mục đích sử dụng. Về cấu tạo, MMT có cấu trúc lớp kiểu 2:1, bề dày và bề rộng khoảng 1 và 100-1.000nm, mỗi tinh thể gồm 3 lớp xếp chồng lên nhau gồm 2 lớp silica kẹp ở giữa một lớp nhôm oxit. Để trung hòa điện tích âm có trong các lớp silic oxit hoặc nhôm oxit, các cation (Na+, Li+, Ca2+) được giữ lại giữa các lớp tạo thành lớp ion trung tâm, có khả năng trao đổi với các cation vô cơ và hữu cơ, tạo nên các tính chất đặc trưng của MMT như tính thân nước, trương nở và khả năng hấp phụ. Nhờ đó mà MMT được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y học, dược phẩm và thực phẩm. Trong nghiên cứu này, MMT được nghiên cứu để loại bỏ chọn lọc cafein từ dịch chiết chè.
Sau quá trình thử nghiệm, MMT có khả năng hấp phụ chọn lọc cafein cao. Với dịch chiết chè có nồng 10 mg/mL (nồng độ cafein 0,5 mg/mL), pH 4 (điều chỉnh bằng axid citric), thời gian hấp phụ trong 60 phút ở 15-25°C giúp 99% cafein được loại bỏ bởi MMT với tỷ lệ 3,5% (w/v) và giữ lại 90% epigallocatechin gallate (EGCG). Do đó, tỷ lệ EGCG so với cafein tăng 40 lần, từ 3,8 lên 155. Kết quả này cho thấy MMT là chất hấp phụ tiềm năng trong điều chế các sản phẩm chè có hàm lượng cafein thấp.
Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Dược học, số 516, năm 2019, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI).
Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:
- Phân tích kết quả giám sát nồng độ ciclosporin và độc tính thận trên bệnh nhân ghép tế bào gốc đồng loài tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương
- Nghiên cứu QSAR và mô hình docking trên các chất làm bền cấu trúc G-quadruplex
- Định lượng rebamipid trong huyết tương người bằng phương pháp sắc ký lỏng siêu hiệu năng ghép nối với detector khối phổ
- Xây dựng phương pháp định lượng trực tiếp lamivudin trong viên nén bằng phương pháp quang phổ cận hồng ngoại
- Phân tích lượng thuốc điều trị ung thư pha chế sử dụng cho bệnh nhân tại Bệnh viện K
Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.