SpStinet - vwpChiTiet

 

Thoái hóa khớp: yếu tố nguy cơ và di truyền

Đề tài do tác giả Hồ Phạm Thục Lan và cộng sự (trường Đại học Tôn Đức Thắng) thực hiện nhằm xác định tần suất hiện mắc của thoái hóa khớp tại các vị trí khớp gối, bàn tay trong cộng đồng nghiên cứu; xác định yếu tố nguy cơ lâm sàng và môi trường có liên quan đến thoái hóa khớp tại các vị trí trên; xác định mức độ ảnh hưởng của yếu tố di truyền (hệ số di truyền) với nguy cơ thoái hóa khớp.

Thoái hóa khớp (osteoarthritis - OA) là một vấn đề y tế công cộng đang được thế giới rất quan tâm, vì qui mô lớn và hệ quả nghiêm trọng của bệnh trong cộng đồng. Thoái hóa khớp là một bệnh phức tạp với đặc điểm chính của bệnh là tổn thương toàn bộ cấu trúc khớp thay vì chỉ tổn thương sụn khớp như quan niệm trước đây. Hiện nay, nguyên nhân chính xác của thoái hóa khớp vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong thời gian qua đã phát hiện một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến thoái hóa khớp. Những yếu tố này có thể chia thành 2 nhóm chính: các yếu tố có thể thay đổi được như mật độ xương, lối sống - dinh dưỡng; và các yếu tố không thay đổi được như chỉ số nhân trắc, tình trạng hormone, yếu tố gia đình, chủng tộc, di truyền. Các yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh thoái hoá khớp là độ tuổi, sức cơ, mật độ xương, thành phần cơ thể, béo phì cũng như các bệnh đi kèm, và yếu tố di truyền. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết những yếu tố này ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ thoái hoá khớp ở bệnh nhân Việt Nam. Chúng ta cũng chưa biết tần số người Việt bị thoái hoá khớp là bao nhiêu do thiếu nghiên cứu trong cộng đồng. Trong điều kiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như hiện nay, xác định yếu tố nguy cơ đóng vai trò rất quan trọng, giúp định hướng phát triển các biện pháp phòng ngừa cũng như chặn đứng tiến triển của bệnh.

Nhóm đề tài tiến hành nghiên cứu 1.028 nam và nữ từ 40 tuổi trở lên, theo hộ gia đình có quan hệ huyết thống bao gồm cha mẹ, con cháu, anh em (ít nhất có một cặp hoặc là anh em, hoặc cha/mẹ-con). Tất cả đối tượng nghiên cứu được chụp Xquang khớp gối, bàn tay; thu thập thông tin liên quan nhân trắc, lối sống, hoạt động thể chất, lâm sàng, đo mật độ xương tại các vị trí xương cột sống, xương đùi và toàn thân; đo sức cơ tại các vị trí tay, chân và lưng; lấy máu thực hiện các xét nghiệm liên quan đến các yếu tố nguy cơ hoặc bệnh đi kèm của thoái hóa khớp.

Kết quả ghi nhận tần suất chung trên Xquang của OA khớp gối là 44,6% (với nữ nhiều hơn nam: 49,8% vs 34,3%), trong khi ở vị trí bàn tay là 39,8% (với nam có tỉ lệ cao hơn nữ: 41,9% vs 38,7%). Ở cả 2 vị trí, tần suất thoái hoá khớp đều gia tăng theo độ tuổi.

Qua phân tích hồi qui đa biến, nhóm nghiên cứu xác định có 4 yếu tố độ tuổi, giới tính, BMI và chỉ số HbA1c có liên quan với nguy cơ OA khớp gối trên Xquang, trong khi tại vị trí bàn tay chỉ có 2 yếu tố độ tuổi và BMI có tương quan. Điều này cho thấy bên cạnh biện pháp giảm béo phì tích cực để phòng ngừa và điều trị thoái hóa khớp gối đã quen thuộc, trong thực hành cũng cần giảm cân để điều trị thoái hóa bàn tay; đồng thời phải tăng cường tầm soát thoái hóa khớp gối ở các bệnh thường đi kèm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt ở người bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, khi đánh giá ảnh hưởng của thoái hoá khớp tới gánh nặng lâm sàng và chất lượng cuộc sống, nhóm nghiên cứu ghi nhận độ nặng của OA khớp gối gắn liền với biểu hiện đau, cứng khớp, giới hạn chức năng vận động và giảm chất lượng cuộc sống. Trong khi đó tác động lên đau, chức năng vận động và chất lượng cuộc sống của OA bàn tay không được xác định.Kết quả đề tài cũng tìm thấy hệ số di truyền của OA khớp gối là 56,5% và OA bàn tay là 51,8%, phản ánh tầm quan trọng của yếu tố di truyền so với yếu tố môi trường. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên có hệ thống về tần suất, yếu tố nguy cơ và yếu tố di truyền của thoái hóa khớp ở Việt Nam. Dữ liệu từ nghiên cứu này không chỉ giúp cho nhân viên y tế cũng như cộng đồng hiểu hơn về các yếu tố liên quan đến thoái hóa khớp, mà còn là cơ sở để thực hiện tiếp các nghiên cứu cohort nhằm xây dựng mô hình tiên lượng giúp nhận diện cá nhân có nguy cơ cao sớm. Từ đó có thể xây dựng, phát triển những mô hình chẩn đoán và can thiệp sớm nhằm giảm nguy cơ bệnh cho cá nhân và giảm gánh nặng của bệnh trong cộng đồng về mặt kinh tế y tế cũng như giảm tỷ lệ mất chức năng vận động, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân thoái hóa khớp

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả