Ông Lý Quốc Chính (giám đốc công nghệ của Công ty VNPT Technology):
Còn nhiều rào cản!
Công ty chúng tôi đã đạt chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để đạt được chứng nhận này là cả hành trình khá gian nan tới vài năm của doanh nghiệp. Tôi thử hỏi đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ, nhưng đã hiệu quả hay chưa?
Năm 2018 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, tăng 25% số công trình nghiên cứu, nhưng đã đi vào ứng dụng và phát huy hiệu quả hay chưa?
Nhiều nghị định quy định hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ ra đời, nhưng luật quy định DN công nghệ cao là phải làm chủ công nghệ, làm ra sản phẩm công nghệ, sống được bằng sản phẩm công nghệ, có nguồn lực nghiên cứu và phát triển (R&D) đầy đủ. Nhưng thực tế, số lượng lao động có trình độ chuyên môn đạt ít nhất 5% thì có đủ làm chủ công nghệ hay không? Rồi tổng chi phí hoạt động R&D ít nhất 1% thì không giải quyết được vấn đề gì.
Ông Nguyễn Minh Quý (chủ tịch Tập đoàn Digital Navaon):
Cần khơi thông dòng vốn đầu tư mạo hiểm
Trong chiến lược phát triển công ty, chúng tôi mở rộng đầu tư ra một số thị trường khu vực Đông Nam Á, nhưng thủ tục xin đầu tư chậm trễ. Dẫn chứng như đầu tư tại Singapore, doanh nghiệp chỉ mất 1 tuần để làm tất cả các thủ tục về đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong khi việc xin đầu tư ra nước ngoài ở trong nước vẫn chưa được phê duyệt.
Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ có năng lực tốt nhưng do những hạn chế nguồn lực nên các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là năng lực quản lý, năng lực làm sản phẩm, đội ngũ này rất thiếu.
Rồi vấn đề vốn cũng là thách thức khi đây là lĩnh vực mạo hiểm, đầu tư nhiều, phải phát triển quy mô nhất định mới lãi được, hầu như vài năm đầu lỗ, nên nếu không khơi thông dòng vốn đầu tư mạo hiểm sẽ khó thúc đẩy các startup công nghệ khởi nghiệp.
Ngoài ra tôi đề nghị cần gỡ bốn nút thắt đó là hạn chế các chính sách là rào cản cho doanh nghiệp như: quy định của Luật đầu tư thì cần phải có quy định riêng cho đầu tư mạo hiểm. Hình thành nên các đặc khu ảo, giúp các doanh nghiệp thử nghiệm.
Thủ tục nhà nước cần phải thông thoáng hơn, giảm thiểu các chi phí nhũng nhiễu, bôi trơn. Có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ như miễn thuế, nâng cao đầu tư hiệu suất, mua dịch vụ...
Ông Nguyễn Thế Tân (Giám đốc Công ty VCCorp):
Tập trung nguồn lực cho con người
Tôi kiến nghị cần phân nhóm các DN công nghệ dựa trên giá trị tạo ra để có ưu đãi cho phù hợp. Đơn cử như các DN hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, làm ra công nghệ tiên tiến, mang sản phẩm ra nước ngoài thì cần có mức ưu đãi cao. Bởi hiện nay ngành nội dung số so với ngành phần mềm thuế cao hơn và ưu đãi thì không có. Chính sách cũng cần tập trung ưu đãi nguồn lực quan trọng nhất là con người, giảm thuế thu nhập cá nhân.
NGỌC AN ghi
|