Một trong những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 là hoạt động thương mại điện tử: kỹ thuật số, internet đã góp phần thay đổi hoạt động thương mại về phương thức chào bán hàng, đặt hàng, thanh toán, quản lý kho, tư vấn hàng hóa dịch vụ cho khách, quản lý kho, vận chuyển hàng hóa,…TMBLTT là hình thức thương mại mới, tốc độ phát triển nhanh vì nó đáp ứng được yêu cầu và điều kiện phát triển kinh tế. Hàng triệu lượt người tiêu dùng đang có xu hướng “online hoá” việc mua sắm để tiết kiệm thời gian và công sức, còn các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang dần tiến sâu vào thị trường kinh doanh trực tuyến này với mong muốn tăng hiệu suất và doanh thu bán hàng.
TP.HCM là trung tâm bán hàng trực tuyến lớn nhất nước: tốc độ tăng trưởng nhanh với hàng ngàn doanh nghiệp với các quy mô khác nhau tham gia, tính chuyên nghiệp ngày càng tăng cường đáp ứng yêu cầu hàng triệu lượt khách hàng. Tuy nhiên, sự phát triển TMBLTT trên địa bàn thành phố mới phát triển theo chiều rộng, chất lượng phát triển còn nhiều hạn chế, so với hoạt động bán lẻ của thành phố chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó tiềm năng phát triển của loại hình thương mại này còn rất lớn.
Trong đề tài này, với phương pháp tổng kết tài liệu, phân tích số liệu thống kê thứ cấp từ các nguồn tin cậy và phương pháp nghiên cứu điển hình đã rút ra 15 tồn tại, hạn chế trong phát triển TMBLTT của thành phố, phân tích các nhân tố tác động thuận lợi và không thuận lợi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự phát triển TMBLTT chưa như kỳ vọng là do: văn bản pháp lý quản lý hoạt động kinh doanh TMBLTT vẫn chưa đầy đủ, còn xung đột giữa các luật điều chỉnh TMTT, sự phát triển nhanh chóng của hình thức thương mại này vượt qua năng lực quản lý và kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở hạ tầng thương mại điện tử chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp TMBLTT còn hạn chế từ năng lực tài chính đến vấn đề bảo mật cho khách hàng, trình độ kỹ thuật và công nghệ, phương thức hỗ trợ khách hàng, các doanh nghiệp kinh doanh BLTT chưa có chiến lược phát triển bài bản mang tính chiến lược dài hạn, mà còn chụp giật; hoạt động của các Hiệp hội liên quan như Hiệp hội Điện tử, Hiệp hội Bán lẻ chưa có sự gắn kết thực sự chuyên nghiệp, cũng như chưa có những biện pháp hỗ trợ có hiệu quả đến doanh nghiệp;…
Ngoài ra, đề tài sử dụng phương pháp khảo sát điều tra hai đối tượng là doanh nghiệp kinh doanh bán hàng trực tuyến (B2C); các nhân tố dịch vụ bán hàng trực tuyến tác động đến sự hài lòng của khách hàng khi mua hàng. Sự không hài lòng của khách hàng mua hàng trực tuyến được xem là nhân tố quan trọng tác động bất lợi đến sự phát triển của các công ty kinh doanh B2C. Bằng phương pháp định lượng, nhóm đề tài đã đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố dịch vụ bán hàng trực tuyến đến sự hài lòng của khách hàng và đưa ra các hàm ý quản trị giúp các doanh nghiệp B2C tùy vào điều kiện kinh doanh của mình mà đề xuất giải pháp phù hợp.
Từ đó, đề tài đề xuất 3 nhóm giải pháp cơ bản gồm nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh thương mại điện tử, nhóm giải pháp đề xuất cho các doanh nghiệp kinh doanh B2C và nhóm giải pháp kiến nghị với các hiệp hội liên quan đến hoạt động bán lẻ trực tuyến. Các nhóm giải pháp đều có giải pháp cụ thể, mỗi giải pháp cụ thể đều có các gợi ý các tổ chức thực thi.
Ví dụ nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh thương mại điện tử gồm các giải pháp cụ thể như hoàn thiện thể chế pháp lý liên quan đến TMBLTT (hoàn thiện các quy phạm pháp luật liên quan); hoàn thiện hoạt động quản lý nhà nước đối với hình thức kinh doanh BLTT B2C trên địa bàn thành phố. Nhóm giải pháp đối với đơn vị kinh doanh B2C gồm xây dựng thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực TMBLTT; xây dựng và hoàn thiện trang web bán hàng trực tuyến; thiết lập chuỗi kinh doanh bán hàng trực tuyến; nâng cao và kiểm soát chất lượng hàng hóa và dịch vụ;…