NNKH là hình thức giao tiếp đặc trưng của người khiếm thính, dùng những biểu hiện của bàn tay thay cho tiếng nói. NNKH hình thành và phát triển trong cộng đồng người khiếm thính, giúp họ có thể giao tiếp và tiếp thu tri thức của xã hội. Mỗi quốc gia có hệ thống NNKH riêng. Sự khác biệt này tồn tại cả ở các vùng, miền trong một quốc gia. Vì vậy, NNKH và ngữ pháp NNKH là vấn đề quan tâm của các nhà khoa học, nhằm góp phần bình thường hóa cuộc sống của người khiếm thính.
Theo đề tài nghiên cứu, do những hạn chế vì khuyết tật gây ra, trẻ khiếm thính sử dụng nhiều hình thức giao tiếp tùy theo khả năng của từng cá nhân và điều kiện, sinh sống. NNKH là phương tiện giao tiếp chủ yếu trong cộng đồng người khiếm thính. NNKH có ngữ pháp riêng và khác biệt với tiếng Việt về cấu trúc câu, cũng như cấu tạo từ. Chính vì vậy, sử dụng NNKH để hướng dẫn trẻ khiếm thính nhận diện được từ, diễn tả câu, thuận lợi hơn rất nhiều so với việc dạy trẻ thuộc lòng một cách máy móc cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt.
Một trong những thành phần quan trọng trong cấu trúc câu và chiếm số lượng lớn của ngữ pháp là động từ. Thực tiễn giáo dục trẻ khiếm thính cho thấy, cán bộ quản lý và giáo viên đã có những hiểu biết ban đầu về NNKH, có ý thức trong việc phát triển NNKH và ngữ pháp NNKH cho trẻ, song vẫn còn lúng túng trong tổ chức, thực hiện các tiết học có hỗ trợ của NNKH, đặc biệt chưa có kĩ năng đánh giá trẻ về mặt này. Mỗi tiết học đều gặp nhiều khó khăn, hầu như không đủ thời gian để chuyển tải kiến thức cho học sinh. Vẫn còn giáo viên chưa biết sử dụng NNKH để giao tiếp và kiểm tra khả năng lĩnh hội kiến thức của trẻ, chưa biết ngữ pháp NNKH.
Phụ huynh vẫn kì vọng nhiều ở ngôn ngữ nói, chưa thấy được hiệu quả của NNKH, chưa thấy sai sót của trẻ khiếm thính về ngữ pháp trong học tập tiếng Việt. Vẫn còn tình trạng phụ huynh có con em khiếm thính nhưng không biết sử dụng NNKH. Trẻ mù chữ không chỉ không có ngôn ngữ, không đọc được sách, không giao tiếp được với cộng đồng, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, chịu nhiều thiệt thòi do không hiểu biết về quyền và nghĩa vụ công dân, lao động vất vả và thường bị kẻ xấu lợi dụng.
Để trẻ khiếm thính có thể hòa nhập cộng đồng, cần phải phát triển NNKH trong trường chuyên biệt, bước đầu hướng dẫn và giúp trẻ nhận biết cách sử dụng động từ trong cấu trúc câu tiếng Việt thông qua việc tìm hiểu hình thái động từ NNKH. Sách “Hình thái động từ NNKH cho người điếc” cần được phổ biến trong cộng đồng để giáo viên, phụ huynh vận dụng vào chăm sóc và giáo dục trẻ. Kết quả khảo sát các tỉnh phía Nam còn cho thấy, trẻ khiếm thính sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, học vấn thấp, thường nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình, một số làm công việc lao động phổ thông như bốc vác, thêu thùa, chạm trổ,… đời sống rất khó khăn. Các câu lạc bộ khiếm thính ra đời một cách tự phát, các em tự tổ chức sinh hoạt cung cấp thông tin, trao đổi, tư vấn kiến thức, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chưa có một tổ chức nào đứng ra quản lí, hướng dẫn, tư vấn pháp luật, hỗ trợ nghề,…
Nhóm tác giả đề xuất một số biện pháp phát triển NNKH cho trẻ khiếm thính như lập kế hoạch, xây dựng môi trường học tập yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng, phòng học chuyên dùng cho trẻ; lựa chọn tranh ảnh phù hợp với trẻ; kĩ thuật sử dụng NNKH trong dạy học; sử dụng giao tiếp tổng hợp; đánh giá kết quả hoạt động giáo dục. Các biện pháp này tập trung vào việc cung cấp cho trẻ thêm nhiều từ ngữ kí hiệu cũng như tăng cường cơ hội để sử việc cung cấp cho trẻ thêm nhiều từ ngữ kí hiệu cũng như tăng cường cơ hội để sử dụng NNKH thông qua các hoạt động học, vui chơi. Các biện pháp này phải được vận dụng linh hoạt gắn liền với từng hoạt động cụ thể, trong tổ chức các tiết dạy.
Nhóm tác giả cũng biên soạn tài liệu về cách dùng động từ trong NNKH nhằm hỗ trợ giáo viên, học sinh khiếm thính và những người quan tâm học hay nghiên cứu về NNKH biết cách sử dụng NNKH đúng với ngữ pháp chuẩn mực, như những người khiếm thính thành thạo sử dụng NNKH.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)