SpStinet - vwpChiTiet

 

2019-nCoV: Khoa học Việt Nam có thể làm được gì?

Những giải pháp mà Việt Nam đang triển khai ứng phó dịch viêm phổi do 2019-nCoV gây ra đều dựa trên những kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học đã được tích lũy nhiều năm, kể từ khi phải đối mặt với dịch SARS vào năm 2002-2003.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Nguyễn Chi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra phòng xét nghiệm
của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Nguyễn Chi.

Trong bối cảnh bệnh dịch bùng phát, tài khoản Twitter của Liên Hợp Quốc đã trích dẫn lời chia sẻ của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại phiên họp ngày 31/1/2020 ở Geneve: “Đây là thời điểm của sự thật, không phải sự sợ hãi. Đây là thời điểm của khoa học, không phải tin đồn. Đây là thời điểm của đoàn kết, không phải chia rẽ”. Câu nói của TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus hàm ý đến vai trò của khoa học, của những hiểu biết về họ cúm coronavirus và đặc điểm dịch tễ của 2019-nCoV sẽ đóng vai trò quan trọng trong các giải pháp và đề xuất, tư vấn để các chính phủ khống chế bệnh dịch.

Những công việc đầu tiên

Tại Việt Nam, những hành động ứng phó như vậy đã được triển khai từ khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu lây lan nhanh chóng. Một cách chủ động, các nhà nghiên cứu ở những cơ sở nghiên cứu và điều trị như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Học viện Quân y, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP.HCM, Nha Trang, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam… đều nhanh chóng kết nối với các đồng nghiệp quốc tế ở Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC)…, cập nhật những thông tin mới nhất từ các nền tảng online như Sáng kiến Chia sẻ dữ liệu cúm toàn cầu (GISAID) – một sáng kiến bắt đầu từ lời kêu gọi của một nhóm nhà nghiên cứu y học hàng đầu thế giới, GenBank – một cơ sở dữ liệu về giải trình tự có chú giải với các trình tự gene nucleotide và các dịch mã protein của nó, để có thêm những thông tin mới.

Tâm thế sẵn sàng đối đầu với dịch bệnh như vậy đã đưa các nhà nghiên cứu kết hợp chặt chẽ với đội ngũ bác sĩ lâm sàng để có thể nhanh chóng nắm bắt được những đặc điểm dịch tễ học của bệnh dịch cũng như những đặc điểm di truyền, cơ chế lây nhiễm… của chủng virus mới được phát hiện.

Do đó, trường hợp của một bệnh nhân 65 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường type 2 được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với triệu chứng sốt và suy nhược, sau khi cùng vợ trở về từ quận Vũ Xương, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào đầu tháng 1/2020, đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và các nhà nghiên cứu Viện Pasteur TP.HCM kịp thời theo dõi. Nét nổi bật của ca này là việc người cha đã truyền 2019-nCoV cho con trai mình sau khi ở cùng phòng trong một khách sạn tại Nha Trang. Qua 3 ngày ủ bệnh, bệnh nhân 27 tuổi này đã có triệu chứng sốt và khi xét nghiệm, ngay cả khăn lau của anh cũng cho kết quả dương tính với virus. Tất cả những thông tin về diễn biến của triệu chứng, quá trình ủ bệnh, những kết quả xét nghiệm, khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc với những người khác… đều được nhóm nhà nghiên cứu ghi chép tỉ mỉ trong bài báo “Importation and Human-to-Human Transmission of a Novel Coronavirus in Vietnam” (Sự quan trọng và lan truyền từ người sang người của một coronavirus mới tại Việt Nam) xuất bản trên The New England Journal of Medicine (NEJM), tạp chí của Hội Y học Massachusetts được đánh giá là một trong những tạp chí có bình duyệt lâu đời và uy tín ngành y. Đáng chú ý, bệnh nhân Trung Quốc nhập viện vào ngày 22/1/2020 thì chỉ đến ngày 28/1/2020 là TS.BS. Nguyễn Vũ Thượng – tác giả chính, PGS.TS. Phan Trọng Lân (Viện Pasteur TP.HCM) – tác giả thứ nhất, đã cùng với cộng sự ở Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đăng tải bài báo vào ngày 28/1/2020.

Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chúc mừng bệnh nhân người Trung Quốc 27 tuổi ra viện. Nguồn: nld.com.vn
Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chúc mừng bệnh nhân
người Trung Quốc 27 tuổi ra viện. Nguồn: nld.com.vn

Theo thống kê của Nature, đến hết ngày 30/1/2020, có ít nhất 54 bài báo viết bằng tiếng Anh về truyền 2019-nCoV được xuất bản, trong đó hơn 30 bài là tiền ấn phẩm được công bố sớm trên các “kho lưu trữ” onine như bioRxiv, medRxiv, ChemRxiv, còn lại là trên các tạp chí có bình duyệt như The Lancet, The Journal of Medical Virology, The New England Journal of Medicine… (không tính các bài báo xuất bản bằng tiếng Trung). Như vậy, không chỉ có mặt trong nhóm các bài báo đầu tiên về 2019-nCoV, bài báo của nhóm tác giả Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy còn là một trong những bằng chứng ghi nhận trường hợp lây nhiễm virus người qua người đầu tiên ngoài Trung Quốc với những triệu chứng bệnh tật điển hình.

Phát triển bộ xét nghiệm nhanh virus

Quá trình ứng phó bệnh dịch của các nhà khoa học Việt Nam đã được Bộ KH&CN thúc đẩy ngay trong phiên họp khẩn do Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì vào ngày 30/1/2020, ngày đi làm đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Với mong muốn tìm được những giải pháp hữu hiệu, không chỉ góp phần giải quyết được tình trạng tức thời của bệnh dịch mà còn đưa ra được những giải pháp mang tính dài hơi về các bệnh dịch do virus cúm gây ra, Bộ KH&CN đã mời các chuyên gia y tế ở các cơ sở y tế như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Viện Pasteur TP.HCM, Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH)… đến làm việc.

Là đồng tác giả của công bố mới, PGS.TS. Phan Trọng Lân đã trình bày cách thức ông và cộng sự phát hiện ra chủng 2019-nCoV trên bệnh nhân Trung Quốc, trong đó nêu những cố gắng cập nhật thông tin hướng dẫn từ WHO như quy trình phản ứng tổng hợp chuỗi phiên mã ngược thời gian thực (Real-time reverse-transcription polymerase chain reaction) để có được kết quả xét nghiệm đúng và được WHO tin cậy.

Việc có được những thông tin dịch bệnh với độ chính xác cao sẽ không chỉ góp phần cung cấp cho WHO một phần nhỏ trong bức tranh tranh tổng thể về 2019-nCoV toàn cầu mà còn là cơ hội để Việt Nam hiểu được bản chất dịch tễ học của dịch bệnh do virus này gây ra. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam có thể thực hiện được một công việc thiết thực: sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh 2019-nCoV để có thể chủ động xét nghiệm sàng lọc người lây nhiễm virus từ các trường hợp bị nghi ngờ và cách ly sớm, tránh lây lan bệnh rộng hơn. Điều này lại cần thiết hơn khi có nhiều trường hợp bị nhiễm 2019-nCoV mà không biểu lộ triệu chứng rõ rệt và thời gian ủ bệnh của bệnh lại kéo dài tới 14 ngày (trong khi thời gian ủ bệnh của SARS-CoV chỉ từ 4 đến 6 ngày, dù có tổ tiên chung với 2019-nCoV). Các chuyên gia đều thống nhất với quan điểm này của PGS.TS. Phan Trọng Lân và GS.TS. Nguyễn Văn Kính – nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và ông Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).


Việc chúng ta có được những thông tin dịch bệnh với độ chính xác cao sẽ không chỉ góp phần cung cấp cho WHO một phần nhỏ trong bức tranh tranh tổng thể về 2019-nCoV toàn cầu mà còn là cơ hội để Việt Nam hiểu được bản chất dịch tễ học của dịch bệnh do virus này gây ra; đồng thời là cơ sở để Việt Nam có thể sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh 2019-nCoV.


Một trong những khó khăn hiện nay mà Việt Nam phải đối mặt là thiếu hụt về số bộ kit bởi số lượng bộ kit do CDC hoặc WHO cấp không nhiều. Trong tình huống này, việc chủ động phát triển và sản xuất được các bộ xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm với độ chuẩn xác cao, thời gian ngắn cần được tiến hành ngay. Đây không phải là việc quá khó của Việt Nam bởi năm 2015, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phát triển thành công bộ kit chẩn đoán, phát hiện virus MERS-CoV với độ chính xác gần như tuyệt đối chỉ sau 3, 4 giờ.

Để chạy đua với thời gian trong sản xuất các bộ kit như vậy, cần có một cơ chế đặc biệt cho phép chỉ định đơn vị thực hiện nhiệm vụ mà không cần phải qua các quy trình, thủ tục như đối với những nhiệm vụ KH&CN khác do Bộ KH&CN quản lý, theo ý kiến đóng góp của GS.TS. Lê Bách Quang, người có rất nhiều kinh nghiệm về việc này khi là thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu phát triển hoặc tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine phòng bệnh do 2019-nCoV gây ra. Đây cũng là thách thức với thế giới bởi trong thời điểm hiện nay, chưa có loại thuốc nào chứng tỏ được hiệu quả điều trị bệnh SARS hoặc các lây nhiễm do coronavirus gây ra ở người, và chưa có loại vaccine nào có thể ngăn chặn được các nhiễm trùng hô hấp được cấp phép. Với kinh nghiệm của một người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc VABIOTECH cho biết, công ty đã sớm chủ động liên hệ với Trung tâm Vi sinh vật học Max Planck (Đại học Bristol Anh) – đối tác của công ty trong dự án triển khai sản xuất các vaccine từ công nghệ MultiBac, một công nghệ sản xuất tái tổ hợp hiệu năng cao, đặc biệt thích hợp cho sản xuất vaccine mới với số lượng lớn và chi phí thấp – và đề nghị họ hỗ trợ công việc sản xuất vaccine 2019-nCoV khi có công nghệ.

Cần sự đầu tư dài hạn và liên tục

Câu chuyện về dịch bệnh cho các virus cúm gây ra trong giai đoạn đầu thế kỷ 21 – virus SARS-CoV, MERS-CoV, 2019-nCoV, H5N1…, cho thấy những khó khăn mà các quốc gia phải đối mặt. Sự tiến hóa một cách liên tục của virus cúm buộc chúng ta phải dành nhiều thời gian nghiên cứu về chúng. Có thể thấy điều đó ở virus cúm A, một loại virus gây cúm trên nhiều động vật và đôi khi gây bệnh ở người, “trong quá trình lây nhiễm, hai virus có thể cùng xâm nhiễm vào một tế bào vật chủ, trao đổi và tích hợp bộ gene, tạo ra chủng virus cúm mới có khả năng tránh được miễn dịch của con người, dù trước đó họ đã có được miễn dịch với chủng lưu hành trước đó hoặc miễn dịch tạo ra từ vaccine”, PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng (Phó trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã nêu ví dụ như vậy vào tháng 4/2019.

Với những đặc điểm khu biệt như vậy, việc có một chiến lược đầu tư dài hạn và liên tục về các virus cúm và các dịch bệnh mới nổi khác sẽ là cơ hội để Việt Nam có được những hiểu biết sâu rộng về bản chất dịch tễ học của bệnh tật, những cơ chế phát sinh và lây nhiễm bệnh để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xuất hiện; hình thành và tích lũy những năng lực cần thiết để có những ứng phó kịp thời trước bệnh dịch; đào tạo thêm nhiều chuyên gia lâm sàng, dịch tễ học; có thêm trang thiết bị hiện đại... Ví dụ, Viện nghiên cứu nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty tại Melbourne trở thành phòng thí nghiệm đầu tiên trên thế giới ngoài Trung Quốc phân lập và sao chép được 2019-nCoV. Lý giải về nguyên nhân giúp Viện có thể dò tìm, giải trình tự và phân lập được virus trong vòng 5 ngày, TS. Julian Druce cho biết: “Chúng tôi đã làm việc 10 đến 12 giờ mỗi ngày trên cơ sở thiết kế và lập kế hoạch cho một quy trình làm việc như vậy trong nhiều năm”.

May mắn là đội ngũ các nhà khoa học ở các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam đã được chuẩn bị điều đó thông qua nhiều chương trình KH&CN do Bộ KH&CN quản lý, từ các đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ NAFOSTED tài trợ, chương trình KC10 đến các chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao… Nhìn vào 10 năm hoạt động của Quỹ NAFOSTED, có thể thấy nhiều nhóm nghiên cứu đã hình thành ở Viện Vệ sinh dịch tễ, Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…, đồng thời các nhà nghiên cứu Việt Nam có nhiều điều kiện duy trì mạch nghiên cứu, công bố quốc tế cũng như mời các đồng nghiệp quốc tế tham gia nghiên cứu. Đây cũng là một phần nguồn lực quan trọng để PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, một chủ nhiệm đề tài quen thuộc của NAFOSTED, nắm bắt khái niệm One Health trong y tế hiện đại do WHO khởi xướng – một cách tiếp cận liên ngành, thu hút nhiều bên tham gia, thực hiện từ quy mô địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh và tiến triển của các bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường - thực hiện đề tài về mối liên hệ giữa người và gia cầm bị nhiễm cúm A. Qua việc thực hiện đề tài, chị đã xuất bản bài báo “Highly Pathogenic Avian Infuenza A (H5N1) Viruses at the Animal – Human Interface in Vietnam, 2003-2010” trên The Journal of Infectious Diseases, công trình giúp chị trở thành nhà khoa học ngành Y đầu tiên đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019.

Với Việt Nam, con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng là cách làm duy nhất để có thể chủ động sản xuất những bộ kit chẩn đoán nhanh và các loại vaccine phòng ngừa cúm, các bệnh truyền nhiễm mới nổi trong tương lai. Đó cũng là bài học của Cuba trong phát triển và sản xuất CimaVax – vaccine ung thư phổi không tế bào nhỏ – vào năm 2016. “Họ thành công nhờ vào làm nghiên cứu cơ bản tốt vì muốn thử nghiệm cái gì thì cũng phải chắc chắn về mặt công nghệ. Họ cũng xem xét rất kỹ bản chất dịch tễ học của bệnh tật, vì vậy sản phẩm của họ có chất lượng và có nội hàm khoa học rất cao”, đó là một phần chia sẻ của TS. Đỗ Tuấn Đạt khi biết tin Cuba có CimaVax.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả