Chăn nuôi bò thịt là một ngành truyền thống và có ý nghĩa quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều công ty đã đầu tư chăn nuôi bò thịt mang tính thâm canh cao. Tuy nhiên, nguồn bò giống chủ yếu nhập từ nước ngoài, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là nhập bò đã trưởng thành về để vỗ béo giết thịt. Hiện nay tại TP.HCM có một số lượng khá lớn đàn bò sữa có năng suất thấp nhưng khả năng sinh sản rất tốt, đã và đang được người dân bán vào lò mổ để giết thịt. Điều này gây nên một sự lãng phí con giống sinh sản, đặc biệt trong bối cảnh đàn bò cái nền để lai tạo bò hướng thịt ở nước ta không nhiều. Vì vậy, việc nghiên cứu lai bò thịt trên nền bò cái hướng sữa năng suất thấp cần được quan tâm.
Để có cơ sở cho việc lựa chọn các công thức lai bò thịt phát triển ra sản xuất và bước đầu hình thành tổ chức của những người chăn nuôi bò thịt, nhóm tác giả đề tài đã tiến hành điều tra đánh giá tình hình chăn nuôi bò thịt tại TP. HCM; đánh giá một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các công thức lai bò thịt 2 máu; nghiên cứu xác định một số công thức lai kinh tế bò thịt cao sản và xây dựng mô hình tổ chức hợp tác chăn nuôi bò thịt cao sản tại TP.HCM.
Kết quả cho thấy, chăn nuôi bò thịt tại TP.HCM chưa thực sự phát triển so với chăn nuôi bò sữa. Giống bò nuôi lấy thịt chủ yếu là bò lai Zebu và bò đực hướng sữa. Phương thức chăn nuôi đã từng bước chuyển dịch từ bán chăn thả sang thâm canh. Chuồng trại cũng được quan tâm đầu tư với sàn xi măng và mái tôn. Đã có sự quan tâm đến việc trồng cỏ, do đó tỷ lệ cỏ trồng trong khẩu phần là khá cao. Tuy nhiên, hầu hết nông dân vẫn phải sử dụng rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Chưa phát triển các giống thuần và giống lai bò thịt cao sản. Tiêu thụ sản phẩm bò thịt vẫn chủ yếu qua thương lái nên chưa chủ động cũng như chưa hình thành chuỗi sản xuất thịt bò để gia tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Về bò lai hướng thịt 2 máu, khối lượng lúc 18 tháng tuổi và tăng trọng từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi của bò lai 2 máu cao nhất ở nhóm bò ♂ Red Angus x ♀ Brahman [AnBr] với 284,8kg và 487,8g/con/ngày. Kế đến là nhóm bò ♂ Red Angus x ♀ Droughtmaster [AnDr] với 236,6kg và 400,3g/con/ngày. Tiếp theo là nhóm bò ♂ Brahman x ♀ Lai Sind [BrLs] với 222,3kg và 379,1g/con/ngày và thấp nhất là nhóm bò Lai Sind với 200,9kg và 340,5g/con/ngày.
Kết quả đánh giá các công thức bò lai kinh tế 3 máu cho thấy, đối với con lai sinh ra từ nhóm bò nền là ♂ Brahman x ♀ Lai Sind: khối lượng lúc 18 tháng tuổi và tăng trọng từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi cao nhất ở công thức được phối với con đực là Red Angus (290,2kg và 485,8g/con/ngày), kế đến là công thức được phối với con đực là BBB (282,1kg và 472,7g/con/ngày), thấp nhất là công thức được phối với con đực là Wagyu (277,7kg và 464,9g/con/ngày). Đối với con lai sinh ra từ nhóm bò nền là ♂ Red Angus x ♀ Brahman: khối lượng lúc 18 tháng tuổi và tăng trọng từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi cao nhất ở công thức được phối với con đực là BBB (309,8kg và 521,8g/con/ngày), kế đến là công thức được phối với con đực là Droughtmaster (305,9kg và 513,5g/con/ngày), thấp nhất là công thức được phối với con đực là Wagyu (296,1kg và 497,1g/con/ngày). Đối với con lai sinh ra từ nhóm bò nền là ♂ Holstein Friesian x ♀ Lai Sind: khối lượng lúc 18 tháng tuổi và tăng trọng từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi cao nhất ở công thức được phối với con đực là BBB (415,4kg và 720,5g/con/ngày), kế đến là công thức được phối với con đực là Red Angus (404,4kg và 695,5g/con/ngày), thấp nhất là công thức được phối với con đực là Wagyu (370,5kg và 632,2g/con/ngày).
Trên cơ sở thực tiễn đàn cái nền hiện nay, 4 công thức lai kinh tế bò thịt 3 máu được đề xuất đưa vào sản xuất là (1) ♂ Red Angus x ♀ (♂ Brahman x ♀ Lai Sind) [AnBrLs], (2) ♂ BBB x ♀ (♂ Brahman x ♀ Lai Sind) [BbBrLs], (3) ♂ BBB x ♀ (♂ Red Angus x ♀ Brahman) [BbAnBr] và (4) ♂ BBB x ♀ (♂ Holstein Friesian x ♀ Lai Sind) [BbHfLs].
Về mức dinh dưỡng và thời gian vỗ béo bò thịt cao sản, mức ME (năng lượng trao đổi) và CP (protein thô) thích hợp để vỗ béo bò thịt cao sản là 2,4 Mcal/kg DM và 145g/kg DM. Thời gian vỗ béo hiệu quả là 90 ngày. Bò thịt lai 3 máu có thành phần thịt tương đương với bò Brahman nhập từ Úc.
Đề tài cũng hỗ trợ thành lập 1 tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt (tại huyện Củ Chi). Mô hình này đã bước đầu đã tạo ra sự liên kết những người chăn nuôi với nhau, liên kết giữa người chăn nuôi với các tổ chức liên quan khác trong việc giải quyết “đầu vào” và “đầu ra” trong chuỗi chăn nuôi bò thịt. Từ đó gia tăng lợi nhuận trong chăn nuôi, từng bước hình thành chuỗi sản xuất chăn nuôi bò thịt trên địa bàn TP.HCM.