SpStinet - vwpChiTiet

 

Kết nối không dây bằng công nghệ NB-IoT

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, việc phát sóng 5G, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) và nền tảng phát triển xã hội số tại TP.HCM, đã cho thấy những lợi ích khi công nghệ NB-IoT được phủ sóng rộng khắp thành phố, mọi thiết bị thông minh kết nối mạnh mẽ hơn.

Việc phủ sóng IoT rộng khắp là cơ hội để TPHCM phát triển nhiều ứng dụng phục vụ cuộc sống người dân
Việc phủ sóng IoT rộng khắp là cơ hội
để TP.HCM phát triển nhiều ứng dụng phục vụ cuộc sống người dân

Viettel đã phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT (Narrow Band - Internet of Things), phủ kín 100% địa bàn TP.HCM. Với quy mô này, Viettel đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ kết nối Internet cho vạn vật tại TP.HCM, đưa thành phố trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng IoT diện rộng. Công nghệ NB-IoT rất linh hoạt và có thể hoạt động ở băng tần 2G, 3G lẫn 4G, loại bỏ sự cần thiết của cổng kết nối, giúp tiết kiệm chi phí về lâu dài. Công nghệ NB-IoT được Viettel thiết kế, phát triển trên hạ tầng 4G hiện có bao gồm cả trạm gốc, ăng ten và băng tần được cấp phép. NB-IoT thuộc nhóm công nghệ Low Power WAN IoT (mạng diện rộng, công suất thấp cho IoT) với ưu điểm vùng phủ rộng, tiết kiệm pin, chi phí kết nối thiết bị thấp và cho phép một lượng lớn các thiết bị có thể kết nối tới mạng.

Không chỉ đã phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT mà song song với quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới cho IoT, hiện nay Viettel đang đẩy nhanh tiến độ triển khai nền tảng (platform) để sớm cung cấp hệ sinh thái các ứng dụng về NB-IoT tới khách hàng, như đậu xe thông minh, giám sát chất lượng không khí, giám sát vị trí, thiết bị đo lường… Như vậy, mọi kết nối với thiết bị thông minh được điều khiển qua di động hay máy tính bảng sẽ nhanh chóng, tiện dụng hơn nhiều. 

Khi IoT phủ sóng rộng khắp TP.HCM thì có thể nói smart home (nhà thông minh) được “nhờ” nhiều nhất. Ở smart home, chủ nhà sẽ dễ dàng bật điều hòa, bình nóng lạnh trước khi về nhà hay thậm chí có thể mở cửa cho bạn bè vào chơi trong khi chủ nhà đi vắng. NB-IoT sẽ góp phần giúp con người trong đô thị nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Việc Viettel phủ sóng NB-IoT tại TP.HCM đã tạo cơ hội để các nhà phát triển ứng dụng đưa công nghệ vào đời sống, nhà sản xuất thiết bị tối ưu hóa thiết bị để kết nối tốt hơn, và để TP.HCM phát triển các giải pháp cho thành phố thông minh trong nay mai. Trong khi đó, tại Hà Nội, Viettel đã phát sóng gần 500 trạm NB-IoT tại quận Cầu Giấy và các huyện ngoại thành. Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: “Không chỉ Hà Nội và TP.HCM, mục tiêu của Viettel là đưa công nghệ IoT tới tất cả các tỉnh thành trên cả nước và thị trường nước ngoài. Với khả năng phủ rộng và phủ sâu, NB-IoT giúp khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ở bất cứ khi nào và ở đâu, bao gồm cả những vị trí thách thức nhất như hầm tòa nhà, đường hầm hay khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo”.

Với đặc tính có vùng phủ sóng sâu và rộng, hỗ trợ một số lượng lớn kết nối, NB-IoT giúp tiết kiệm chi phí, tiết kiệm điện năng và tăng phạm vi phủ sóng ở các vị trí mà những công nghệ di động thông thường không thể chạm tới. Đối với thành phố thông minh, NB-IoT được ứng dụng cho giám sát thông minh, vận chuyển tự động, hệ thống quản lý năng lượng thông minh hơn, giúp giải quyết các vấn đề như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và thiếu năng lượng…

Kim Thanh

Nguồn: sggp.org.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả