Trong các loài hoa, cây hoa cúc được phát triển nhanh vì nó là loài hoa đẹp, đa dạng, dùng để trang trí, làm dược liệu và được trồng nhiều nơi trên thế giới bởi tính thích nghi cao, dễ sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ. Thực tế việc trồng hoa cúc ở Việt Nam đã tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động nông nghiệp, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo. Hoa cúc chủ yếu được sấy khô sử dụng như trà hoặc kết hợp với một số thảo mộc khác nấu uống để thanh nhiệt, giải nhiệt, chữa các bệnh cảm lạnh, thần kinh, viêm mũi, hoa mắt, huyết áp cao, viêm gan,…
Trong đề tài này, nhóm tác giả hoàn thiện quy trình trích ly dịch chiết từ hoa cúc trắng (Chrysanthemum morifolium R); khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sấy phun bột hoa cúc; nghiên cứu quy trình sản xuất bánh mì hoa cúc.
Theo đó, hoa cúc trắng khô sử dụng có độ ẩm 12,5%, tro 2,48%, hàm lượng polyphenol tổng 106,49 mg GAE/g, hàm lượng flavonoid 69,55% và không phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu để làm nguyên liệu để trích ly dịch chiết.
Kết quả nghiên cứu đưa ra được quy trình trích ly dịch chiết với các thông số kỹ thuật gồm kích thước nguyên liệu 1mm < X ≤ 3mm, nồng độ ethanol 29,72%, tỷ lệ nguyên liệu dung môi 1:30, nhiệt độ trích ly 60,810C, thời gian trích ly 120,99 phút thì hàm lượng polyphenol là 79,89 mg GAE/g. Quy trình sản xuất bột trà hòa tan từ hoa cúc cũng được đưa ra như sau: dịch chiết cô đặc - phối trộn - đồng hóa - sấy phun - làm nguội - bột hoa cúc hòa tan. Các thông số kỹ thuật của quá trình sấy phun gồm tỷ lệ maltodextrin 14%, tỷ lệ SPI (Soy Protein Isolate) 1%, nhiệt độ1300C, lưu lượng nhập liệu 533 ml/h. Quy trình và công thức làm bánh mì hoa cúc bao gồm: bột mì 47,89%, dịch chiết hoa cúc 11,01%, đường 2,87%, mem 0,96%, muối 0,38%, bơ lạt 8,62%, trứng 3,83%, sữa đặc 13,41%, và nước 11,02%. Sản phẩm có thể tích 282,46 cm3, độ xốp 66,15%, có mùi thơm đặc trưng của hoa cúc, bề mặt vàng đều, không rạn nứt, ruột bánh nở, mềm, xốp.