SpStinet - vwpChiTiet

 

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân TP.HCM: thực trạng và giải pháp

Đề tài do tác giả Nguyễn Thị Lê Uyên và cộng sự (Viện Nghiên cứu Phát triển) thực hiện nhằm đánh giá thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại TPHCM hiện nay; phân tích hành vi về ATTP của người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng. Từ đó, xây dựng nhóm giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo mọi người dân tại TPHCM được tiếp cận thực phẩm an toàn.

Theo Báo cáo thành phố an toàn của tổ chức EIU năm 2017, TP.HCM thuộc nhóm 10 thành phố có số điểm an toàn thấp nhất, xếp hạng thứ 56/60 thành phố (54.33 điểm); dựa trên 4 nhóm tiêu chí cơ bản gồm: an ninh mạng, an ninh sức khỏe, an toàn cơ sở hạ tầng và an toàn cá nhân. Thành phố khẳng định quan điểm đảm bảo “an toàn sống” cho người dân là nhiệm vụ cấp thiết và hàng đầu. Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, tiến tới xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Để hoàn thành mục tiêu trên, đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm an toàn cho mọi người dân rất cần được xem xét giải quyết.

Qua đề tài này, nhóm tác giả cho rằng, bối cảnh hiện tại và tương lai của TP.HCM vừa tạo ra nhiều thách thức vừa tạo cơ hội để Thành phố đảm bảo ATTP hiệu quả hơn hiện nay. Cụ thể, hệ thống các quy định pháp lý về ATTP trong hoạt động thương mại ở nước ta vẫn còn nhiều “khoảng hở”, chưa phủ hết các lĩnh vực, có khoảng trống giữa các khâu trong quy định trách nhiệm quản lý liên tục một loại sản phẩm. Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo chất lượng, ATTP chưa đạt hiệu quả do thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ còn khó khăn, phức tạp. Nhận thức của người tiêu dùng đối với vấn đề ATTP chưa đồng đều và đặc biệt tính sẵn sàng, đồng lòng tham gia của người tiêu dùng trong mục tiêu chung cũng chưa cao. Đa phần người tiêu dùng là chủ thể gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất từ thực phẩm bẩn, họ bức xúc trước các hành vi vi phạm và đưa ra nhiều yêu cầu về phía quản lý nhà nước. Nhưng có khá ít người tiêu dùng có tinh thần bảo vệ quyền lợi của bản thân và cộng đồng trước thực phẩm bẩn, chia sẻ trách nhiệm, sẵn sàng đồng hành tham gia cùng nhà nước để góp phần xây dựng 1 thành phố ATTP.  

Các nguyên nhân dẫn đến vấn nạn đảm bảo ATTP tại TPHCM có tính chất cố hữu, không chỉ riêng trong lĩnh vực quản lý ATTP. Do đó, đòi hỏi chuỗi giải pháp mang tính đột phá, đồng bộ và đổi mới hơn hiện tại. Cuộc cách mạng công nghệ khoa học 4.0, xu thế hội nhập lao động - việc làm cạnh tranh gay gắt và đặc biệt tinh thần đồng tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân TP.HCM hiện nay đang hướng về các mục tiêu xây dựng “Thành phố sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, “Thành phố thông minh” sẽ tạo động lực và nguồn lực tổng thể cho hệ thống quản lý nhà nước về ATTP.

Ngoài ra, ATTP phải được nhìn nhận như quyền an sinh xã hội, quyền an toàn sống cấp thiết. Nhà nước cần tạo ra các trụ cột cơ bản trong đảm bảo ATTP, xây dựng lưới bảo vệ sức khỏe, chia sẻ rủi ro đối với người tiêu dùng tương tự như chính sách bảo hiểm y tế. Mặt khác, bởi vì tiêu thụ thực phẩm an toàn là quyền an toàn sống cấp thiết, cho nên các hành vi vi phạm cần được xử lý răn đe, không loại trừ áp dùng biện pháp hình sự. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm quy định về ATTP phải lấy phòng ngừa là chính, ngăn chặn khả năng thực tế hậu quả của tội phạm này xảy ra.

Thực tế, điểm “đứt gãy” của chuỗi thực phẩm an toàn thường tập trung ở khâu chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ; trên kênh thương mại truyền thống bán lẻ (chợ, chợ tự phát, sạp bán lề đường). Tại các khâu này, lực lượng quản lý còn mỏng, ý thức của đối tượng chưa cao (có khả năng là thiếu hiểu biết). Nông dân, thương lái và tiểu thương đều chưa hiểu rõ hoặc chủ đích không quan tâm đến hậu quả sử dụng hóa chất gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều trung gian, trong đó có nhiều trung gian không có danh tính (không đăng ký kinh doanh, không ký kết hợp đồng mua bán, không hoá đơn chứng từ,…). Do vậy, tuy rất khó khăn nhưng vẫn phải rà soát và tổ chức lại chuỗi cung ứng thực phẩm, nhận diện rõ vi phạm theo đối tượng và giai đoạn, tránh đùn đẩy trách nhiệm và dẫn đến không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Qua đó, nhóm tác giả đề xuất 5 nhóm giải pháp chung về thể chế chính sách; tổ chức thực hiện và giám sát (bộ máy quản lý, điều hành và cơ chế chính sách, cơ chế phối hợp); tăng nguồn lực theo mức độ ưu tiên (đội ngũ quản lý ATTP, kinh phí cho công tác quản lý, phòng thí nghiệm dùng chung, ứng dụng công nghệ 4.0); giám sát xã hội và tuyên truyền về ATTP; nghiên cứu khoa học.

Các giải pháp kèm theo biện pháp cụ thể gồm: (1) rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, quy trình phù hợp với thực tiễn Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế; (2) ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm an toàn theo lộ trình để từng bước định hướng các đối tác cung cấp thực phẩm, nông sản theo tiêu chuẩn của Thành phố; (3) tiếp tục phát triển Chuỗi thực phẩm an toàn, giảm dần các điểm “đứt gãy” của chuỗi thông qua liên kết vùng, mô hình sàn giao dịch và mạng lưới bán lẻ; ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động quản lý, giám sát và hỗ trợ người tiêu dùng; (4) hướng tới minh bạch hóa thông tin quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, từ trang trại đến bàn ăn; (5) đổi mới công tác truyền thông nhằm khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của doanh nghiệp, doanh nhân, hộ gia đình vì mục tiêu ATTP; (6) đổi mới phương pháp xem xét các báo cáo và ra nghị quyết về báo cáo công tác của các đối tượng chịu sự giám sát, đổi mới phương pháp chất vấn, đổi mới phương thức, phương pháp giám sát của thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân; (7) đầu tư nghiên cứu khoa học kĩ thuật chuyên sâu về ATTP và tăng cường các nghiên cứu đánh giá xã hội về thực trạng đảm bảo ATTP.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả