Sản xuất chất tăng trưởng thực vật bằng chiếu xạ vỏ bưởi
Uyên Trang
24/10/2019
KH&CN trong nước
Nhóm nghiên cứu gồm: Lê Quang Luân, Nguyễn Thanh Vũ (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM) và Trần Lệ Trúc Hà (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất Oligopectin – một loại hợp chất tăng trưởng thực vật, có nguồn gốc tự nhiên để phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, oligosaccharide (các saccharide có khối lượng phân tử thấp) không chỉ có tác dụng tăng trưởng đối với thực vật, mà còn có tác dụng như một chất truyền tín hiệu kích thích cây trồng gây tạo ra kháng sinh thực vật (còn gọi là phytoalexin), giúp cây trồng kháng lại một số nấm bệnh và vi sinh vật gây bệnh. Tương tự, oligopectin cũng đã được chứng minh là có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng ở thực vật. Cho đến nay, phương pháp cắt mạch bức xạ đã và đang được sử dụng đối với một số loại polysaccharide như chitosan, alginate, pectin, glucan và đã thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật như: thời gian ngắn, quy trình đơn giản, sản phẩm không cần tinh chế (do không dùng chất xúc tác), độ chính xác cao và thân thiện với môi trường. Việc sử dụng kỹ thuật cắt mạch bức xạ để xử lý bột vỏ bưởi trước khi tách chiết nhằm nâng cao hiệu quả tách chiết và sản xuất oligopectin từ nguồn phế thải vỏ bưởi (vốn rất dồi dào ở nước ta), góp phần tạo ra chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên phục vụ sản xuất an toàn và phát triển bền vững.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bột vỏ bưởi khô được chiếu xạ tia gamma ở các liều xạ 100, 150, 200 và 300 kGy để xử lý cắt mạch, sau đó tách chiết để thu nhận trực tiếp oligopectin. Oligopectin sản xuất ra có khối lượng phân tử (Mw) từ 3,66-18,11kDa. Hiệu suất tách chiết oligopectin khi xử lý chiếu xạ bột vỏ bưởi cũng tăng lên 38,7-57,9% so với không chiếu xạ. Oligopectin có Mw khoảng 3,66 kDa có tác dụng tăng trưởng tốt nhất đối với cây cải bẹ xanh sau 28 ngày, trồng bằng phương pháp thủy canh. Cụ thể, các chỉ số sinh trưởng như chiều cao cây, chiều dài rễ, sinh khối tươi và hàm lượng chất khô lần lượt tăng 27,03; 17,89; 29,6 và 3,43% so với đối chứng. Như vậy, phương pháp chiếu xạ vỏ bưởi trước khi tách chiết là rất hiệu quả để nâng cao hiệu suất tách chiết oligopectin và tiết kiệm chi phí sản xuất
Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, số 6, năm 2019, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Tp. HCM (CESTI)
Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:
- Đánh giá một số tính trạng chính và tương quan giữa các tính trạng của bộ sưu tập 235 giống lúa
- Nghiên cứu xây dựng qui trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho vùng Bắc Trung Bộ
- Kết quả khảo nghiệm một số giống lạc tại tỉnh Khánh Hòa
- Kết quả trồng thử nghiệm cây độc hoạt tại Kon Tum
- Thiết lập công thức chế biến bột xúp ăn liền từ tôm sấy thăng hoa và các loại rau củ
Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.