SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng phương pháp phòng trừ sinh học cho cây trồng trong nhà lưới, nhà kính

Với đề tài “Nghiên cứu và xây dựng quy trình phòng trừ sinh học các loại côn trùng chính (bọ trĩ, bọ phấn trắng) và nhện hại trên cây dưa lưới được canh tác trong nhà lưới tại TP.HCM”, lần đầu tiên phương pháp phòng trừ hoàn toàn bằng các tác nhân sinh học trong hệ thống nhà lưới được nghiên cứu và ứng dụng trong điều kiện sản xuất tại Việt Nam. Các quy trình nhân nuôi hàng loạt nhện nhỏ bắt mồi, bọ xít bắt mồi bằng thức ăn nhân tạo cũng lần đầu tiên được thực hiện.

Chủ động sản xuất các loài thiên địch chất lượng cao

Đây là đề tài do Viện Sinh học nhiệt đới chủ trì thực hiện, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2018.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo (chủ nhiệm đề tài) cho biết, đây là lần đầu tiên các sản phẩm được nghiên cứu thành công, gồm: quy trình nhân nuôi và sản xuất nhện nhỏ bắt mồi Amblyseius swirskii; quy trình nhân nuôi và sản xuất bọ xít Orius sp; quy trình nhân nuôi và sản xuất bọ xít mắt to Geocoris sp; quy trình sử dụng và phóng thả từng loại thiên địch riêng biệt; quy trình phòng trừ sinh học trên dưa lưới trong nhà lưới, nhà kính. Hiện nay trên thị trường chưa có sản phẩm nào tương tự. Có thể nói, đề tài này đã góp phần chủ động sản xuất hàng loạt trong nước các loài thiên địch chất lượng cao, ứng dụng trong phòng trừ sinh học để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch.

Các loại cây trồng canh tác trong nhà kính, nhà lưới thường dễ bị gây hại bởi một số lượng lớn các loại côn trùng và nhện hại, điều này có thể làm giảm đáng kể năng suất cây trồng. Trong đó, bọ phấn trắng, bọ trĩ, nhện hại,… là những loại sâu hại chính, chúng tấn công cây trồng từ khi cây mới mọc và phát triển, gây hại cho đến khi thu hoạch. Ngoài tác hại trực tiếp, chúng còn là vector truyền nhiều loại virus gây bệnh cho cây trồng. Trong số những biện pháp được sử dụng kết hợp để phòng trừ tổng hợp các loại dịch hại thì phương pháp phòng trừ sinh học là nổi bật nhất. Phương pháp này liên quan đến việc sử dụng các thiên địch tự nhiên (nhóm bắt mồi, ký sinh và tác nhân gây bệnh), là những vật đối kháng của côn trùng và nhện hại. Chi phí sử dụng các loài thiên địch tự nhiên ít hơn so với chi phí sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và cũng không mất nhiều thời gian để phát triển, cải tiến so với phòng trừ hóa học.

Môi trường nhà kính, nhà lưới thích hợp cho việc sử dụng phương pháp phòng trừ sinh học vì chúng là hệ thống kín, có thể ngăn chặn sự phát tán của các loài thiên địch rất hiệu quả; mật số dịch hại có thể được giám sát và cây trồng ít bị tổn hại do sự tấn công của côn trùng hơn những cây trồng ngoài đồng ruộng; tạo điều kiện thuận lợi cho các loại thiên địch tự nhiên sinh trưởng, phát triển hơn là cho các loại dịch hại.

Ngoài ra, vì dịch hại trong hệ thống nhà lưới, nhà kính dễ phát triển tính kháng thuốc hóa học khi sử dụng trong thời gian dài; cây trồng được thu hoạch thường xuyên, khoảng thời gian giữa các mùa vụ rất ngắn nên việc sử dụng thuốc hóa học trở thành vấn đề nan giải, bởi khả năng tích tụ dư lượng hóa chất trong nông sản là rất cao, trong khi đó, hầu hết các loại rau trồng trong nhà lưới nhà kính thường được tiêu thụ tươi, sạch,…Do đó, phương pháp phòng trừ sinh học được cho là thân thiện với môi trường và đem lại những lợi ích bền vững, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với những sản phẩm có chất lượng cao.

Các tác giả tập trung nghiên cứu nhân nuôi, sản xuất hàng loạt các loài thiên địch là nhện nhỏ bắt mồi Amblyseius swirskii, bọ xít mắt to Geocoris sp., bọ xít Orius sp. và ứng dụng chúng vào phòng trừ sinh học trên cây dưa lưới trong nhà lưới, nhà kính. Loại thức ăn sử dụng để nhân nuôi các loài thiên địch này lần lượt là thức ăn nhân tạo ArP-TT (16,6% sucrose, 16,6 % tryptone, 16,6% men rượu, 6,7% fructose, 16,6% bột lòng đỏ trứng, 0,13% hỗn hợp vitamin và 20% bột trứng xay khô của Artermia franciscana); thức ăn nhân tạo; trứng Artermia franciscana. Môi trường phù hợp để nhân nuôi Orius sp. và Geocoris sp. là hộp nhựa, Amblyseius swirskii là hộp nhựa + đĩa petri nhựa.

Việc tồn trữ con cái A. swirskii được tiến hành tại 5ºC, ẩm độ 95% đạt kết quả tốt khi thời gian tồn trữ dưới 30 ngày và các điều kiện tồn trữ này không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, sinh sản, tuổi thọ của thế hệ sau. Việc tồn trữ lạnh con cái bọ xít bắt mồi Orius sp. và Geocoris sp. là không cần thiết. Chi phí thật sự để nhân nuôi một con cái A. swirskii là 351 đồng, một con Orius sp. và Geocoris sp. trưởng thành lần lượt là 2.209 đồng và 4.110 đồng.

Áp dụng các loài thiên địch này trong quy trình phòng trừ sinh học trên cây dưa lưới trong nhà lưới cho thấy, việc sử dụng kết hợp hai loại bắt mồi là nhện A. swirskii và bọ xít Orius sp. đã khống chế và phòng trừ tốt nhện hại T. urticae và bọ trĩ T. palmi (là 2 loại dịch hại phổ biến và nguy hiểm nhất trên cây dưa lưới trồng trong hệ thống nhà lưới). Việc sử dụng kết hợp hai loại bắt mồi này không những không ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ con mồi, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn gia tăng khả năng tiêu thụ con mồi của từng loại bắt mồi; hiệu quả phòng trừ tốt hơn so với sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.

Quy trình như sau: khi cây bắt đầu có 4 lá thật (11 ngày sau trồng) và khi có 10-12 lá thật (khoảng 20 ngày sau khi trồng), tiến hành thả nhiễm A. swirskii (là loại thiên địch có khả năng sinh trưởng phát triển trên nguồn thức ăn thay thế hoặc trong điều kiện không có con mồi) bằng cách rắc trực tiếp hỗn hợp nhện và thức ăn nhân tạo lên lá cây. Số lượng A. swirskii dùng để thả nhiễm là 2.640 con (1 con/cây) để kìm hãm con mồi ngay từ thời gian đầu. Đến ngày thứ 20 sau khi trồng, có sự hiện diện của nhện hại T. urticae và bọ trĩ T. palmi với mật số thấp, tiếp tục thả nhiễm bọ xít (1 con/2 cây). Đến ngày 25 sau khi trồng, mật số của nhện T. urticae vẫn còn thấp nhưng bọ trĩ non T. palmi bắt đầu gia tăng, thả bổ sung nhện bắt mồi A. swirskii với tỷ lệ 1 con bắt mồi/5 hoặc 6 con mồi. Từ ngày 29 đến ngày 37 sau khi trồng, dựa vào lượng con mồi hiện diện trên cây, luân phiên phóng thả bổ sung từng loại thiên địch tương ứng. Từ ngày thứ 37 sau khi trồng ngưng thả thiên địch.

Khả năng áp dụng thực tế

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo, diện tích nhà lưới, nhà kính hiện đang ngày càng phát triển mạnh. Riêng tỉnh Lâm Đồng, chỉ sau 10 năm, diện tích nhà lưới nhà kính từ 2.500 ha tăng lên đến 4.000 ha; tỉnh Đồng Nai diện tích nhà lưới năm 2014 phát triển gấp 10 lần so với năm 2005,… Tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đầu tư trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới (đa số theo công nghệ Israel) với quy mô 1000 m2/nhà, nhiều nhà được tổ chức sản xuất giống rau quả và nghiên cứu sản xuất thiên địch (ví dụ Công ty Đầu tư và Phát triển Nhiệt đới). Ngoài ra, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao còn nhiều nhà lưới với diện tích nhỏ hơn (từ 300 m2 - 600 m2/nhà). Như vậy, xu thế trồng cây trong nhà lưới nhà kính sẽ phát triển nhanh trong tương lai, nếu các rào cản về lực lượng sản xuất, chính sách chuyển đổi cây trồng, chủ trương kích cầu về rau an toàn và gắn kết thị trường xuất khẩu được cải thiện và thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là các thành phố công nông nghiệp.

Do đó, các phương pháp phòng trừ sinh học côn trùng và nhện hại trong nhà lưới nhà kính sẽ trở thành vấn đề lớn cần giải quyết. Phần lớn các doanh nghiệp, công ty sản xuất rau, hoa đều đánh giá cao việc sử dụng thiên địch để phòng trừ các loại sâu hại trong nhà kính, nhà lưới, do tạo được sản phẩm hữu cơ sạch, an toàn cho người sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Các quy trình, sản phẩm của đề tài này có khả năng chuyển giao áp dụng ngay vào sản xuất. Hiệu quả kinh tế tạm tính cho thấy, lợi nhuận trên mỗi 1.000m2 dưa lưới, khi áp dụng phóng thả thiên địch để quản lý côn trùng, nhện hại là 6.731.805 đồng. Chất lượng của sản phẩm tạo ra từ phương pháp này an toàn hơn cho người dùng, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,…Hiện tại, nhóm tác giả mong muốn chuyển giao ứng dụng kết quả cho các doanh nghiệp, trang trại có nhu cầu. Đặc biệt, nhóm sẵn sàng chuyển giao không thu phí cho nông dân có mong muốn áp dụng các quy trình này để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.

Ngoài ra, có thể kết hợp giữa việc sử dụng các loại thiên địch với nhiều chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu nguồn gốc sinh học, kể cả thuốc có nguồn gốc hóa học. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa phóng thả các loại thiên địch và sử dụng các chế phẩm, thuốc như thế nào để có hiệu quả cần có sự tìm hiểu và tư vấn thêm từ các nhà sản xuất và các nhà khoa học.

Để áp dụng rộng rãi trong thực tế sản xuất cần triển khai công tác tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho nhân công; chủ động nguồn thiên địch (đầu tư nhà nuôi để sản xuất hàng loạt, thỏa thuận chuyển giao sản xuất các loại thức ăn cho nhân nuôi thiên địch).

Vân Nguyễn (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả