Phòng nhiễm khuẩn, viêm vú bò bằng chế phẩm nano bạc
Diễm Hương
24/12/2019
KH&CN trong nước
Kết quả nghiên cứu sử dụng kem nano bạc để phòng và điều trị nhiễm khuẩn, viêm vú ở bò sữa của nhóm tác giả Ngô Đình Tân và cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì và Nguyễn Hoài Châu, Trần Văn Tựa tại Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) đã cho thấy khả năng mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho người chăn nuôi
Bệnh viêm vú gây thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi bò sữa. 90% là do vi khuẩn trong môi trường gây ra, trong đó, các tác nhân chính gây bệnh là vi khuẩn Staphylococcus aureus. E.coli, Steptococcus uberis, Streptococcus dysgalactiae.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nano bạc có độc tính thấp với mô tuyến vú nên không tác động tiêu cực đến mô tuyến vú. Tuy nhiên, ưu điểm quan trọng nhất là chúng không dẫn đến tình trạng kháng khuẩn, vốn đang là vấn đề lớn nhất trong điều trị viêm vú ở bò. Nghiên cứu trong điều kiện in vitro Dehkordi thấy rằng, nano bạc có khả năng chống lại vi khuẩn viêm vú S.aureus và nhiều chủng Pseudomonas aeruginosa kháng thuốc. Bên cạnh đó, nano bạc kháng khuẩn mạnh nhất đối với tất cả các loài vi khuẩn gây sốt. Tại Việt Nam, tác giả Trần Thị Loan đã sử dụng kem nano bạc nồng độ 50-250ppm để phòng và điều trị bệnh viêm vú ở bò sữa, cho thấy kem chứa nano bạc có tác dụng chống lại vi khuẩn E.Coli, P.aeruginosa và S.aureus, đồng thời giảm lượng tế bào bản thể trong sữa.
Vì vậy, các tác giả đã nghiên cứu ứng dụng kem nano bạc trong phòng và điều trị bệnh viêm vú ở điều kiện sản xuất thực tế. Kết quả cho thấy, ở bò tiết sữa, tỷ lệ viêm vú cận lâm sàng ngay sau khi đẻ có xu hướng cao hơn, sau đó giảm dần trong thời gian tiết sữa. Do đó, trong thời gian tiết sữa, phải thực hiện đúng quy trình vệ sinh vắt sữa; sử dụng các chất có tính kháng khuẩn và an toàn cao như nano bạc sẽ hạn chế được tỷ lệ viêm vú cận lâm sàng và số lượng tế bào bản thể trong sữa. Sử dụng sản phẩm nano bạc, dù chi phí cao hơn so với dùng Iodine ở giai đoạn cạn sữa và tiết sữa, nhưng xét tổng thể về hiệu quả kinh tế, sử dụng nano bạc sẽ tốt hơn cho người chăn nuôi.
Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi, số 250, năm 2019, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Tp. HCM (CESTI).
Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:
- Tần số kiểu gen và alen của thụ thể Estrogen ở heo Yorkshire và Landrace thuần
- Tình hình nhiễm độc tố nấm mốc aflatoxin trong thức ăn chăn nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long.
- Năng suất sinh sản của dê địa phương (dê Nản) Định Hóa.
- Năng suất sinh sản của lợn thuần và con lai giữa hai giống Landrace và Yorkshire.
- Ảnh hưởng của 3 tổ hợp lợn lai và 2 khẩu phần thức ăn đến chất lượng thân thịt trong điều kiện nuôi công nghiệp.
Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.