Nghiên cứu đề xuất mô hình tổng thể về thành phố học tập ở TP.HCM
Lam Vân
20/01/2020
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Huy Cận và cộng sự (Hội Khuyến học Thành phố) thực hiện nhằm đề xuất mô hình tổng thể về thành phố học tập tiếp cận với mô hình thành phố học tập tiên tiến trên thế giới, đồng thời phù hợp với điều kiện tại Việt Nam và TP.HCM.
- Xem thêm nội dung liên quan đến chủ đề "học tập"
Hiện nay, để có thể phát triển và thích ứng nhanh với sự thay đổi trong xã hội toàn cầu hóa, mỗi công dân phải thể hiện được khả năng học tập suốt đời. Bên cạnh đó, các thành phố cũng phải đáp ứng được các thách thức mới trong thế giới luôn chuyển đổi một cách nhanh chóng. Việc xây dựng thành phố học tập là cần thiết đối với mỗi quốc gia trên thế giới nói chung và TP.HCM, Việt Nam nói riêng bởi đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho các quốc gia hay thành phố phát triển bền vững trước sự biến đổi nhanh chóng về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội.
Với đề tài này, nhóm tác giả đề xuất bộ tiêu chí về thành phố học tập của TP.HCM trên cơ sở bộ tiêu chí do UNESCO và bộ tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Việt Nam) ban hành; căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, kinh nghiệm xây dựng xã hội học tập tại Thành phố trong giai đoạn 2011–2018 và kết quả khảo sát về nhu cầu học tập của người dân cùng khả năng thực hiện. Cụ thể, bộ tiêu chí gồm 12 tiêu chuẩn, 41 tiêu chí và 71 chỉ số (bộ tiêu chí UNESCO gồm 12 tiêu chuẩn, 42 tiêu chí, 60 chỉ số; bộ tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành gồm 12 tiêu chuẩn, 35 tiêu chí, 57 chỉ số). Sự khác biệt này không làm sai lệch mô hình chung.
Nhóm tác giả cũng chỉ ra những điểm tương đồng giữa xã hội học tập và thành phố học tập: xã hội học tập đã tạo được nền tảng vững chắc cho thành phố học tập do đã khơi dậy lòng hiếu học trong người dân, tôn vinh được ý thức học suốt đời. Từ nền tảng này, thành phố học tập mở rộng hơn mối quan hệ, trách nhiệm của người học với cộng đồng. Học để xây dựng môi trường sống, làm việc tốt hơn; học để thích nghi với sự tiến bộ của xã hội; học bằng tự học và chia sẻ trong cộng đồng. Chỉ ra sự tương đồng giữa nhiệm vụ xây dựng thành phố học tập với nhiều chương trình mục tiêu, trọng điểm khác mà TP.HCM đang tiến hành. Đề xuất 12 nhóm giải pháp mà các bên liên quan cần làm để thực hiện tốt tiêu chuẩn của bộ tiêu chí. Từng nhóm giải pháp đều cụ thể các nội dung thực hiện để có thể phát huy được những mặt mạnh cũng như khắc phục những hạn chế trong quá trình xây dựng xã hội học tập, đồng thời nêu các nội dung mới cần thực hiện để xây dựng thành công thành phố học tập ở TP.HCM liên quan đến các chỉ số về đào tạo con người, tạo lập các điều kiện hưởng thụ văn hóa, giáo dục cho mọi đối tượng người dân, bảo vệ môi trường sống, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để người dân Thành phố dễ dàng tiếp cận, thích nghi với công nghệ hiện đại.
Qua đó đề xuất mô hình tổng thể về thành phố học tập ở TP.HCM gồm 6 yếu tố hợp thành: 1 mục tiêu, 2 con đường, 3 điều kiện, 4 nguồn lực, 5 cấp độ (kiểm tra, đánh giá) và 12 giải pháp. Mô hình tổng thể này là hình ảnh trực quan cho chiến lược xây dựng TP.HCM trở thành thành phố học tập phù hợp điều kiện Việt Nam và xu thế chung của các thành phố trên thế giới. Đề tài cũng đưa ra 5 kiến nghị đối với lãnh đạo Thành phố để thúc đẩy tiến trình xây dựng thành phố học tập tại TP.HCM thành công và bền vững. Kết quả nghiên cứu này góp phần thực hiện nội dung mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa X đã đề ra: “Xây dựng TP.HCM thành một thành phố học tập, một trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á”.