Cây Tục đoạn (Dipsacus japonicus Miq.) là cây thuốc bản địa của Việt Nam, thường mọc trên các vùng núi cao trên 800m so với mực nước biển. Tục đoạn ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm không quá 25oC, là cây thân thảo sống nhiều năm, khi có hoa cao 1m hoặc hơn, có nhiều rễ mập phát triển thành củ được dùng làm thuốc.
Theo y học cổ truyền, Tục đoạn có vị đắng, cay, tính ôn, có tác dụng bổ gan, thận, tục gân cốt (nối gân xương), hành huyết, chỉ huyết, an thai, được dùng làm thuốc bổ. Ngoài ra, còn dùng để chữa đau lưng, mỏi gối, té ngã sưng tấy, gãy xương, động thai dọa sẩy, ít sữa sau khi đẻ, nam giới di tinh.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng, người dân địa phương đã khai thác liên tục, khiến cho nguồn thuốc quý này nhanh chóng cạn kiệt (hiện đã đưa vào Sách đỏ Việt Nam). Do đó, việc nhân giống Tục đoạn là vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm.
Kết quả nghiên cứu đã xác định được thời vụ thích hợp gieo hạt cho tỷ lệ nảy mầm cao (đạt 88,7%), tỷ lệ cây sống khi xuất vườn đạt 86,3%.
Phương thức xử lý hạt ngâm trong nước ấm 45oC với thời gian ngâm 60 phút cho hạt nảy mầm nhanh (khoảng 5 ngày), đạt tỷ lệ nảy mầm cao (89,3%) và tỷ lệ cây sống cao (87,1%).
Phương thức gieo bầu đảm bảo tỷ lệ cây nảy mầm (86,3%) và tỷ lệ cây sống cao (84,7%), chiều cao sau khi xuất vườn đạt 13,4cm, số lá 5,2 sau 60 ngày.
Phương pháp gieo thẳng đạt tỷ lệ nảy mầm 74,7% và tỷ lệ cây sống là 73,7%
Nội dung nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, số 7, năm 2019, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI)
Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:
- Kết quả bình tuyển cây đầu dòng bưởi chua đầu tôm Sài Sơn
- Khảo sát nguồn gen lúa có hàm lượng tinh bột khó tiêu cao trong nội nhũ
- Nghiên cứu nhân giống khoai lang Nhật bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào
- Ảnh hưởng của biện pháp cắt tỉa đến năng suất và chất lượng quả cam Xã Đoài
- Xây dựng mô hình sản xuất rau hoa tại Nghệ An và Hà Tĩnh
Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.
Uyên Trang (CESTI)