Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC cần được thực hiện đồng bộ với việc chuyển đổi cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, tạo tiền đề để Thành phố đồng thời theo đuổi mục tiêu phát triển các sản phẩm chủ lực mà Thành phố có thế mạnh và xây dựng Thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi của khu vực.
Bằng việc sử dụng nguồn số liệu sơ cấp thu được từ khảo sát nhóm đối tượng nông dân, hợp tác xã (HTX), và doanh nghiệp kết hợp với nguồn dữ liệu thứ cấp từ các nguồn báo cáo, nghiên cứu trước, sử dụng phương pháp định tính kết hợp phương pháp định lượng, nhóm nghiên cứu đã mô tả được thực trạng bức tranh nông nghiệp ứng dụng CNC của TP.HCM (4 nhóm sản phẩm rau an toàn, hoa lan, bò sữa, heo thịt); hệ thống lại và phân tích những chính sách tác động đến hoạt động nông nghiệp ứng dụng CNC; xây dựng mô hình định lượng xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định ứng dụng/duy trì ứng dụng một công nghệ mới của các doanh nghiệp - HTX trên địa bàn TP.HCM. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng CNC trong phát triển nông nghiệp tại địa bàn TP.HCM.
Theo đó, tuy còn tồn tại nhiều hạn chế nhưng không thể phủ nhận những tín hiệu rất tích cực mà các chính sách phát triển nông nghiệp nói chung và chính sách dành cho nông nghiệp CNC nói riêng của Thành phố đã mang lại bước đầu cho ngành nông nghiệp, giúp uy tín về lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng CNC của Thành phố từng bước được nâng cao và đang dần đóng vai trò quan trọng trong khu vực và cả nước.
Ý định ứng dụng một công nghệ mới của doanh nghiệp/HTX bị tác động mạnh mẽ bởi kỳ vọng vào việc ứng dụng sẽ: (1) làm tăng năng suất sản phẩm, (2) tăng chất lượng sản phẩm, (3) tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, (4) kỳ vọng chu kỳ hoàn vốn đầu tư hợp lý, và (5) đánh giá về chi phí đầu tư vào công nghệ là hợp lý. Việc đơn vị quyết định ứng dụng một công nghệ mới là do nhận thức được những lợi ích mà công nghệ đó sẽ mang lại cho đơn vị trong tương lai hơn là do được hưởng những ưu đãi từ chính sách. Tương tự, ý định duy trì sử dụng một công nghệ mới của các đơn vị rất ít phụ thuộc vào tác động bởi các ưu đãi của chính sách nhằm khuyến khích việc ứng dụng.
Các giải pháp được nhóm đề xuất gồm: rà soát các chính sách hiện hành và xây dựng chính sách khung điều chỉnh lĩnh vực nông nghiệp của Thành phố; xây dựng chính sách chuỗi giá trị nông sản cần hướng tới người tiêu dùng Thành phố; xây dựng các chính sách cần hướng tới mục tiêu thân thiện với môi trường. Các khung chính sách chung này có thể xoay quanh 2 nhóm chuỗi giá trị: chuỗi giá trị giống của Thành phố; chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực ứng dụng CNC của Thành phố. Việc xây dựng các chính sách, chương trình hành động xuyên suốt các chuỗi giá trị này cần được thực hiện trên cơ sở hướng tới thị trường - lấy người tiêu dùng làm đối tượng phục vụ chính, mở rộng liên kết dọc và liên kết ngang trong chuỗi, thân thiện với môi trường để tạo tiền đề xây dựng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại và bền vững. Trong chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực ứng dụng CNC của Thành phố, nhóm cũng đưa ra các mô hình cụ thể (tập trung nhiều vào các thị trường đầu ra tiềm năng của mỗi chuỗi) gồm: mô hình chuỗi giá trị rau an toàn ứng dụng CNC; mô hình chuỗi giá trị heo thịt, tôm nước lợ ứng dụng CNC; mô hình chuỗi giá trị hoa lan lan cắt cành ứng dụng CNC; mô hình chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa ứng dụng CNC.
Đề tài cũng đưa ra một số lưu ý trong các chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp/HTX ứng dụng công nghệ mới. Khi xác định một (một nhóm) công nghệ nào đó sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp/HTX và có lợi cho hiệu quả hoạt động của ngành nông nghiệp Thành phố, thay vì khuyến khích bằng các biện pháp như ưu đãi về thuế phí, đào tạo, tín dụng,… các chính sách của Thành phố nên tập trung đánh vào nhận thức của lãnh đạo đơn vị về những lợi ích mà công nghệ đó sẽ mang lại cho họ trong tương lai; minh chứng bằng những hiệu quả (tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng tính cạnh tranh,…) từ mô hình đã triển khai ứng dụng các công nghệ; tìm thị trường đầu ra cho các sản phẩm sau ứng dụng để doanh nghiệp/HTX đánh giá tính hợp lý của chu kỳ hoàn vốn đầu tư và chi phí đầu tư vào công nghệ. Ngoài ra, các chính sách định hướng khuyến khích các CNC – mô hình ứng dụng CNC tiêu biểu cần phải được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu đánh giá những ưu điểm và hạn chế của công nghệ một cách khoa học, đặt trong bối cảnh thực tế của Việt Nam, tránh bệnh làm nông nghiệp CNC theo phong trào.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
LV (CESTI)