SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá ảnh hưởng, tác động qua lại giữa môi trường nước và hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cần Giờ và đề xuất giải pháp giảm nhẹ

Đề tài do tác giả Lê Mạnh Hưng và cộng sự (Trung tâm Tư vấn và Kỹ thuật Môi trường) thực hiện nhằm cung cấp thông tin, cơ sở khoa học về mối tương quan giữa môi trường nước và hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) để hỗ trợ việc quy hoạch NTTS bền vững, phòng tránh rủi ro, phòng chống ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường bằng các giải pháp và biện pháp tổng hợp trên địa bàn huyện Cần Giờ nói riêng và của TP.HCM nói chung.

Theo đó, NTTS đang là ngành kinh tế chủ lực của Cần Giờ, được đánh dấu với việc nuôi tôm (tôm sú và thẻ chân trắng) và các loài nhuyễn thể có vỏ (nghêu, sò, ốc, hàu,…). Sản lượng NTTS biến động và có xu hướng gia tăng. Trong giai đoạn 2025–2030, ngành NTTS tại địa phương được quy hoạch phát triển theo hướng giảm diện tích canh tác, tăng tỉ trọng nuôi công nghiệp – bán công nghiệp, tăng năng suất cũng như tập trung vào một số loài thuỷ sản mặn lợ như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, sau đó là nhuyễn thể và các loài cá, cua.

Trong đề tài này, các đặc điểm kỹ thuật NTTS liên quan đến chất lượng nguồn nước tiếp nhận như sau:

+ Mô hình nuôi tôm thâm canh (công nghiệp): dựa hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp, chủ yếu là thức ăn viên có chất lượng cao. Mật độ thả cao từ 40-60 con/m2, diện tích ao nuôi từ 0,3-0,5 ha.

+ Nuôi tôm bán thâm canh (bán công nghiệp): chủ yếu dựa vào thức ăn công nghiệp, chủ yếu là thức ăn viên có chất lượng cao, mật độ thả từ 20-35 con/m2. Diện tích ao nuôi từ 0,2-0,6 ha. Ao nuôi được xây dựng hoàn chỉnh, cấp và tiêu nước chủ động;

+ Nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT): phát triển mạnh trên nền đất nông nghiệp kém hiệu quả (ruộng muối ở khu vực xã Lý Nhơn), các hộ dân đã chuyển hẳn sang nuôi chuyên tôm vì có hiệu quả hơn. Mật độ thả nuôi 5-10 con/m2, mức độ đầu tư thấp.

+ Nuôi tôm kết hợp rừng sinh thái (nuôi tôm ruộng): không sử dụng thức ăn công nghiệp mà dựa vào thức ăn tự nhiên trong ao.

+ Nuôi nhuyễn thể: nuôi nghêu, sò huyết nuôi sò huyết trên bãi bùn ở ven cửa sông, nguồn giống mua ở các địa phương khác về thả nuôi. Nuôi hàu với hình thức đặt giá thể, lồng, trụ, giăng dây cho hàu tự bám vào và bảo dưỡng đến cơ sở thu hoạch.

+ Nuôi cá lồng bè, cua: cá được nuôi trong lồng có kích thước trung bình 4,5x4x2,5 m (45 m3). Thức ăn chủ yếu là các loài cá tạp như cá ngừ, cá bạt má, cá trích, cá nục,... băm nhỏ, rời để giúp cho cá tiêu hóa nhanh.

Về tác động của nguồn nước đến hoạt động NTTS huyện Cần Giờ, theo số liệu thống kê kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước cấp cho NTTS trên địa bàn huyện Cần Giờ qua các năm cho thấy:

+ Vào các tháng 5,6,7,8 và 12 trong năm đây là thời điểm giao mùa nên thời tiết có nhiều biến động (lượng mưa, nhiệt độ) dẫn đến nhiều chỉ tiêu vượt giới hạn tối ưu cho thủy sản (như độ kiềm, độ mặn, độ pH, COD, Vibrio spp. và TSS).

+ Các khu vực có chất lượng nước đáng quan tâm đối với hoạt động NTTS trên địa bàn huyện bao gồm: xã Bình Khánh (Bông Giếng, Rạch Đước), An Thới Đông (Kinh Bà Tổng, Kinh Hốc Hòa), Tam Thôn Hiệp (Tắc Tây Đen, Rạch Đước), Lý Nhơn (Doi Tiều, Rạch Gốc Tre, Đuôi Sam, Hòa Hiệp và Cống T3), Cần Thạnh (Sân Xim, Cofidex), Vịnh Đông Hòa (Sân Quẹo), Sông Đồng Tranh (Vàm Long Hòa),…với nhiều thông số vượt giới hạn tối ưu của các loài thủy sản hầu hết các tháng trong năm.

Đa số các hộ nuôi thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá chẽm, cá bớp, cá dứa, nghêu, sò, ốc hương,…) ở các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, Thạnh An,… hiện nay không có hệ thống xử lý nước cấp ao nuôi và hệ thống ao lắng xử lý nước thải. Các chỉ tiêu không đáp ứng tiêu chuẩn nước nuôi gồm: COD, TSS, độ mặn, độ kiềm, Vibrio spp. và TSS.

Hướng đến việc đánh giá tính dễ bị tổn thương do chất lượng nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực NTTS huyện Cần Giờ, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ chỉ thị thể hiện khả năng phơi nhiễm, tính nhạy cảm, khả năng thích ứng của lĩnh vực, đồng thời thực hiện đánh giá tổng hợp bằng chỉ số.

Đối với khả năng phơi nhiễm, chỉ số E tổng hợp trên địa bàn huyện đang ở mức trung bình cao (40,4 điểm vào năm 2030). Trong tương lai có sự gia tăng nhưng không đáng kể của các yểu tố khí tượng thủy văn. Xét trên quy mô xã, thị trấn hơn 50% các đơn vị đang ở mức trung bình thấp. Tại Bình Khánh chỉ số phơi nhiễm tổng hợp hiện đang ở mức trung bình cao (47,5 điểm) dự đoán đến năm 2030 sẽ tăng lên 53,1 điểm (mức phơi nhiễm cao), nguyên nhân dược chỉ ra là do ảnh hưởng của các thông số chất lượng nước (58,7 điểm). Tuy nhiên cũng cần quan tâm đến xã Lý Nhơn vì khu vực này không có sự chênh lệch lớn so với giá trị của huyện.

Đối với tính nhạy cảm, dựa trên đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội, chỉ số nhạy cảm tổng hợp được xác định ở mức thấp (24,5). Ở phạm vi cấp xã, chỉ số nhạy cảm phân bố từ mức thấp (2/7 xã) - trung bình thấp (5/7 xã) dao động từ 11,2-42,1. Tuy tính nhạy cảm với đặc điểm tự nhiên có xu hướng giảm nhưng không đáng kể, dẫn đến tính nhạy cảm tổng hợp của địa phương diễn biến tăng đến năm 2030.

Đối với tác động tiềm ẩn, kết quả tính toán chỉ số mức độ tác động tiềm ẩn cho thấy, ngành NTTS huyện Cần Giờ đang ở mức trung bình thấp (25,5 điểm). Xét trên quy mô xã, thị trấn, 4/7 đơn vị có khả năng chịu tác động cần quan tâm: Thạnh An, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp và đặc biệt là xã Bình Khánh (44 điểm). Nguyên nhân do cả chỉ số phơi nhiễm và tính nhạy cảm, xã Bình Khánh luôn có giá trị cao hơn hẳn ở hầu hết các chỉ thị thành phần, đặc biệt là thông số vi sinh và đặc điểm tự nhiên.

Trên cơ sở xác định các khiếm khuyết của hệ thống, một số giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước mặt và giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương cho lĩnh vực NTTS tại huyện Cần Giờ, bao gồm: (1) Kiểm soát nguồn thải ô nhiễm và quản lý chất lượng nước mặt; (2) Giảm thiểu tác động tiềm ẩn đối với hoạt động NTTS liên quan đến chất lượng nước mặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu; (3) Tăng cường năng lực thích ứng và giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương do nguồn nước cho lĩnh vực NTTS; (4) Hạn chế các rủi ro khác và tăng cường tính bền vững cho hoạt động NTTS tại Cần Giờ.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả