Mô phỏng lưu vực được xem là một công cụ cần thiết cho việc đánh giá nguồn và kiểm soát tải lượng trầm tích, ô nhiễm, chất thải từ động vật và mầm bệnh trong nguồn nước mặt. Tuy nhiên, việc sử dụng các mô hình lưu vực là một công việc khó khăn, tẻ nhạt vì phải xem xét không gian và thời gian với phạm vi rộng lớn, số lượng lớn dữ liệu phải được biên dịch, tích hợp, phân tích và giải thích. Thay vì chỉ sử dụng và áp dụng phần mềm thương mại mà không quan tâm đến code bên trong, thì việc áp dụng công cụ phần mềm mã nguồn mở SNU-WS (Seoul National University Watershed) không chỉ là giải pháp tốt, nhanh nhất mà còn là cách sáng tạo để đào tạo người dùng.
Với đề tài này, nhóm tác giả ứng dụng phần mềm SNU-WS (là một công cụ phần mềm số dựa trên GIS, được phát triển tại Phòng thí nghiệm Tính toán thủy lực - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) để mô phỏng chảy tràn, đánh giá cân bằng nước và ô nhiễm chảy tràn gây ra bởi các nguồn điểm và không điểm cho hệ thống sông Lá Buông, một nhánh của sông Đồng Nai.
Kết quả, đã lắp đặt và quan trắc tự động dòng chảy sông Lá Buông, cung cấp số liệu giúp cho việc theo dõi diễn biến dòng chảy và đánh giá sự thay đổi giữa mùa khô và mùa mưa. Lấy mẫu nước mặt định kỳ tại 3 vị trí trên sông, kết quả phân tích đã giúp đánh giá hiện trạng môi trường nước mặt. Ngoài ra, với số liệu thu thập kết quả lấy mẫu nước hàng năm từ Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cho thấy diễn biến ô nhiễm trong lưu vực sông trong quá khứ. Nhóm nghiên cứu cũng thu thập và xử lý số liệu của lưu vực sông Lá Buông để sử dụng làm bộ dữ liệu để kiểm định sự thích hợp của mô hình cho điều kiện thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng và sử dụng đất.
Với việc ứng dụng và xây dựng các mô hình toán cân bằng nước, chất lượng nước và trên cơ sở so sánh với thực tiễn sản xuất trên lưu vực, kết quả đã xây dựng được mô hình hóa lưu vực và chất lượng nước với các thông số đầu vào phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Cùng với đó là bộ dữ liệu của lưu vực Spring Creek được download từ cơ sở dữ liệu của USGS, NOAA và U.S EPA (National Oceanic and Atmospheric Administration, U.S. Geological Survey, and U.S. Environmental Protection Agency). Đây là cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao, được sử dụng để hiệu chỉnh và kiểm chứng cho phần lớn các mô hình tính toán thủy văn và chất lượng nước trên thế giới. Qua kết quả so sánh với số liệu quan trắc cũng như so sánh với mô hình MapShed, chứng tỏ được khả năng mô phỏng và ứng dụng của mô hình SNU-WS. Mô hình có thể được ứng dụng cho việc đánh giá môi trường và quản lý các dự án phát triển tài nguyên nước. Để sử dụng mô hình tốt hơn nữa trong hiện tại và tương lai, việc thu thập số liệu, cập nhật thêm số liệu cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và chính xác.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)