Trăn đất là vật nuôi khá lâu của bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ những năm của thập niên 70 của thế kỷ 20, do dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, có giá trị kinh tế, phù hợp với khả năng nuôi của các hộ gia đình nông dân và các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu da trăn. Phong trào nuôi trăn đất phát triển mạnh trong những năm gần đây, góp phần tích cực vào việc cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Về điều kiện nuôi, bà con nông dân đã cho trăn đất sinh sản thành công trong môi trường nuôi nhốt. Tuy nhiên, việc nuôi trăn đất vẫn để trăn tự ấp trứng trong điều kiện nuôi nhốt, chưa phát triển kỹ thuật ấp trứng, do đó còn hạn chế về tỷ lệ nở trứng. Bên cạnh đó, chế độ thức ăn, dinh dưỡng cho trăn đất mẹ sinh sản cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng trứng. Tại Cà Mau, các hộ dân nuôi trăn đất sinh trưởng và nuôi sinh sản cho đẻ và ấp trứng trong điều kiện nuôi nhốt, tỉ lệ của trứng nở khoảng 50–70%. Tuy nhiên do giá cả thị trường da trăn đất trên thế giới giảm sút làm cho người nuôi trăn gặp khó, lợi ích kinh tế không còn cao.
Các tác giả đã hoàn thiện qui trình nuôi trăn đất – Python bivittatus Kuhl, 1820 sinh sản ở quận Thủ Đức, TP.HCM thông qua xây dựng mô hình chuồng trại thích hợp, thiết kế theo kiểu “mô hình sinh thái”, lắp đặt các thiết bị theo dõi yếu tố môi trường như nhiệt độ và độ ẩm, chăm sóc, và phòng bệnh tốt nhằm cải thiện môi trường nuôi sinh trưởng trăn đất năm thứ nhất.
Mô hình đã tận dụng các nguồn protein thải loại đối với các loại thức ăn khác nhau như chuột, gà con thải loại, đầu cổ gà, heo thải loại. Qua việc đánh giá sự tăng trưởng của trăn đất hàng tháng và nghiên cứu chỉ số thức ăn (FCR) của mỗi loại thức ăn trong quá trình nuôi, đã hạ được giá thành đầu vào cho quá trình nuôi trăn đất trong bối cảnh giá thị trường da trăn trên thế giới giảm sút, giúp nghề nuôi trăn đất phát triển bền vững.
Nhóm tác giả cũng nghiên cứu về khẩu phần thức ăn của trăn đất, qua lựa chọn tỉ lệ thức ăn thích hợp, đánh giá chỉ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của các loại thức ăn khác nhau cho quá trình sinh trưởng và phát dục bình thường của trăn đất. Cải thiện các yếu tố môi trường như nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, kết hợp với kỹ thuật ấp trứng nhằm nâng cao tỉ lệ nở của trăn đất thông qua quá trình ấp trứng nhân tạo. Tỉ lệ nở trứng có thể đạt hơn 97% với vật liệu phủ lên bề mặt trứng là cát mịn.
Nhóm đã biên soạn Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật nuôi trăn đất sinh sản và tổ chức hội thảo, tập huấn để chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân nuôi trăn ở TP.HCM.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)