SpStinet - vwpChiTiet

 

Trường Đại học Tôn Đức Thắng chế tạo robot đa năng khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19

Nhóm nghiên cứu Robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) vừa nghiên cứu chế tạo thành công 2 loại robot khử khuẩn để phòng chống dịch Covid-19, phục vụ cho hai loại khu vực cần khử khuẩn khác nhau: khu vực chịu được nước thì khử khuẩn bằng phương pháp phun xịt thuốc, hóa chất; khu vực không chịu được nước, như có nhiều máy móc thiết bị, thì khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV.

Robot còn có thể phát triển thành nhiều loại robot có tính năng khác nhau, như robot vận chuyển thuốc, vật tư y tế, cơm cho bệnh nhân, cứu hộ, cứu nạn, quan trắc môi trường, cứu hỏa...

Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0)

Robot được trang bị vi điều khiển STM34F4, có cấu hình mạnh và tính năng vượt trội.

Nó được điều khiển từ xa (khoảng cách tối đa 2.000m) để phun xịt thuốc khử khuẩn cho khu vực cách ly người có khả năng nhiễm bệnh.

Có thể dùng smartphone để điều khiển nó dễ dàng từ xa.

Cánh tay robot là vòi phun thuốc, có khả năng chuyển động lên, xuống, qua trái, qua phải.

Ngoài ra, hai bên hông của robot còn được gắn hai vòi phun.

Trong quá trình di chuyển, robot có thể phun thuốc ra hai bên, phía trước, phía trên và cả dưới mặt sàn.

Nó có thể phun ra từ mỗi bên hông của thân robot đến 1m; phía trước, phía trên là khoảng  2m. Nhờ đó, nó có thể di chuyển 1 lượt là có thể khử khuẩn hoàn toàn khu vực sảnh, hành lang, phòng bệnh của các khu cách ly và bệnh viện.


Lắp ráp robot

Với khả năng di chuyển linh hoạt nhờ sử dụng hai động cơ dẫn động độc lập và kích thước nhỏ gọn, robot có thể làm việc trong những không gian chật hẹp.

Việc sử dụng hai bánh cao su đặc (không có ruột) giúp robot di chuyển dễ dàng trên những bề mặt trơn trượt lẫn gồ ghề.

Với khả năng tải khoảng 170 kg, thời gian làm việc liên tục khoảng 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15 km/giờ, robot có thể phát triển thành nhiều loại robot có tính năng khác nhau, như robot vận chuyển thuốc, vật tư y tế, cơm cho bệnh nhân, cứu hộ, cứu nạn, quan trắc môi trường, cứu hỏa...

Loại robot này, sau khi khống chế được dịch bệnh, sẽ được tiếp tục sử dụng cho các công việc và công năng khác như phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn... trong những môi trường và điều kiện mà con người không thể vào được.

Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0)

Robot này tích hợp công nghệ diệt khuẩn chiếu tia UV đã phổ biến tại châu Âu.

Robot sử dụng công nghệ xe tự hành được nghiên cứu và phát triển tại TDTU.

Nó có khả năng tự động di chuyển theo quỹ đạo định trước, ghi nhớ không gian làm việc và lặp lại hành trình.

Nó có tải trọng 50 kg, nên có thể được phát triển thành robot vận chuyển thuốc, vật tư y tế, cơm cho bệnh nhân… từ khoảng cách xa vào đến tận hiện trường.

Về công nghệ khử khuẩn, robot sử dụng công nghệ chiếu tia UV, là một công nghệ khử khuẩn chiếu tia cực tím phá hủy cấu trúc DNA của vi khuẩn, virus.

Do khả năng phá hủy DNA, công nghệ UV diệt được nhiều loại virus, vi khuẩn hơn công nghệ phun hóa chất truyền thống, hiệu quả diệt khuẩn đạt 99,99%.

Nhờ sử dụng công nghệ chiếu tia UV, nên không tạo ra các phụ phẩm độc hại cho môi trường, không để lại các hóa chất tạo phản ứng hóa học.

Robot này rất phù hợp với diệt khuẩn trong phòng làm việc của nhóm, của cá nhân mà không làm ảnh hưởng tới các thiết bị đang hoạt động.

Nó có độ bao phủ 3600 và công suất khử khuẩn khoảng 15 phút/phòng.

Ngoài ra, nó sử dụng các bóng phát tia cực tím cho công nghệ UV nên có hiệu quả kinh tế cao, dễ bảo trì bảo dưỡng.

Loại robot này có thể phát triển tiếp thành dòng sản phẩm thứ 2, máy quét, rất tiện dụng trong việc khử khuẩn cho các văn phòng làm việc đông người, cơ quan, công sở.

Trước khi vào phòng làm việc riêng, nhân viên của một đơn vị chỉ cần cho túi xách, trang thiết bị, dụng cụ cá nhân; và kể cả văn bản hay những hồ sơ qua tay nhiều người... qua máy quét này, thì các loại vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, tránh việc lây lan virus, vi khuẩn qua con đường giấy tờ, văn bản, hồ sơ, dụng cụ...

Vì cả 2 robot trên đều có khả năng được phát triển thành những robot có các chức năng khác nhau nên khi dịch Covid-19 được khống chế thì robot đa năng này có thể được phát triển để phục vụ cho những mục đích khác trong lĩnh vực y tế, cũng như những công việc nguy hiểm, khó khăn.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã và đang phát triển tiếp 2 dòng sản phẩm này lên bậc tiếp theo trong thời gian tới, tạo ra những robot thông minh và đa năng hơn; có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau hơn; trước mắt là để hỗ trợ cho công tác y tế và phòng chống dịch bệnh; về lâu dài sẽ phát triển sản phẩm theo hướng có tính năng tùy chọn đáp ứng các loại nhu cầu khác nhau của người sử dụng.

Chi phí sản xuất và đưa ra thị trường cho các dòng sản phẩm này được dự tính là rẻ hơn chi  phí nhập sản phẩm tương tự từ 3 - 5 lần.

Thực tiễn chống dịch Covid-19 trong hơn 2 tháng qua cho thấy một số vấn đề. Mặc dù các nhân viên y tế đã mang trang phục bảo hộ chuyên dụng, nhưng khả năng bị lây nhiễm do tiếp xúc với môi trường truyền nhiễm và bệnh nhân vẫn rất cao. Để khử khuẩn bằng phương pháp phun hóa chất cho một bệnh viện, cơ quan chức năng đã phải huy động hơn 100 người. Nếu sử dụng robot này, sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho những người thực hiện phòng chống dịch và không tốn quá nhiều nhân lực.

Nhóm nghiên cứu Robotics gồm: TS. Dương Thị Thùy Vân, TS. Hán Thành Trung, TS. Vũ Trí Viễn, TS. Đỗ Hoàng Thịnh, ThS. Trần Quốc Hưng, ThS. Nguyễn Thành Quang cùng nhóm học viên cao học và sinh viên khoa điện - điện tử.

Nguồn: Anh Thư - khoahocphothong.com.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả