TP.HCM hiện có 2.953 tuyến sông kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 4.369 km. Trong đó, các tuyến giao thông thủy là 112 sông, kênh rạch với tổng chiều dài 975 km; các tuyến tiêu thoát nước có 849 kênh rạch với tổng chiều dài 1.094 km; các tuyến phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối có 1.992 kênh, rạch với tổng chiều dài 2.299 km. Những tuyến sông, kênh rạch chính phân theo các lưu vực thoát nước mưa, nước thải của thành phố bao gồm khu vực Đông Sài Gòn, khu vực Tây Bắc Sài Gòn, khu vực trung tâm và Nam Sài Gòn.
Theo kết quả nghiên cứu, đặc điểm hóa lý bùn (trầm tích) sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố như sau:
Về thành phần cấp hạt: kết quả phân tích cho thấy, thành phần sỏi, sạn (>2mm) chiếm tỷ lệ không đáng kể, dao động trung bình 1–3%; thành phần cát (0,02–2,0mm) dao động rất lớn từ 0,7-71%, trung bình đạt khoảng 24%; thành phần sét (<0,002mm) dao động từ 13-58%, trung bình 39%. Như vậy, một số ít khu vực kênh rạch, bùn nạo vét vẫn có thể tận thu cát. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế cần được cân nhắc, vì khả năng tách cát có thể bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ sét cao trong mẫu. Sự kết dính giữa 2 thành phần cát và sét sẽ cản trở khả năng tách cát của các mẫu bùn nạo vét.
Về hàm lượng kim loại: đáng chú ý là hàm lượng Zn và Cr rất cao, tập trung chủ yếu ở khu vực kênh rạch trung tâm Sài Gòn như rạch Cầu Bông, rạch Bà Láng, kênh Lò Gốm, rạch Bà Lựu, kênh Nước Đen,… Hàm lượng Zn dao động từ 28,2–1.456 mg/kg, trung bình 264 mg/kg. So với QCVN 43:2017/BTNMT, có 21/80 vị trí lấy mẫu (chiếm khoảng 26,3%) cao hơn quy chuẩn (315 mg/kg). Hàm lượng Cr dao động từ 28,2 - 332 mg/kg, trung bình 88,1 mg/kg. So với QCVN 43:2017/BTNMT, có 17/80 vị trí lấy mẫu (chiếm khoảng 21,3%) cao hơn quy chuẩn (90 mg/kg). Các kim loại khác như Cu, Pb, As, Cd, Hg có hàm lượng tương đối thấp. Không có mẫu vượt ngưỡng nguy hại QCVN07 đối với thành phần kim loại.
Về thành phần tổng nitơ, phospho, TOC, OM: bùn sông, kênh rạch TP.HCM có thành phần N, P tương đối cao, tập trung chủ yếu ở các kênh rạch trung tâm thành phố (như hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè). Tổng N dao động trong khoảng 638–5.706 mg/kg, trung bình 2.147 mg/kg; tổng P dao động trong khoảng 168–3.359 mg/kg, trung bình 1.064 mg/kg. Thành phần chất hữu cơ TOC và OM ở nhóm kênh rạch tiêu thoát nước cao hơn so với các nhóm mục đích sử dụng khác, các giá trị cao phần lớn đều tập trung tại các kênh rạch trung tâm Sài Gòn. Giá trị dao động TOC từ 0,92–10,8%, trung bình 4,75%; giá trị OM dao động trong khoảng 3,35–17,0%, trung bình 8,74%.
Hiện nay, khối lượng bùn phát sinh từ các dự án nạo vét sông, kênh rạch của thành phố ước tính vào khoảng 2-3 triệu m3/năm. Trong khi đó lượng bổ cập từ các nguồn nước thải và phù sa ước tính vào khoảng 6,6 triệu m3/năm, làm gia tăng bề dày lớp trầm tích ước tính tương đối khoảng 5cm/năm. Với tốc độ thực hiện các dự án nạo vét như hiện tại (khoảng 5% tổng chiều dài sông, kênh rạch thành phố/năm), khối lượng bùn nạo vét phát sinh hàng năm không có xu hướng giảm xuống.
Bùn phát sinh từ các dự án nạo vét đang được xử lý với các phương án: xử lý, tái chế tại Công ty TNHH Sài Gòn Xanh, công suất xử lý khoảng 1.600 m3/ngày, chiếm khoảng 20-30% khối lượng bùn nạo vét; khoảng 22% (phát sinh từ cảng nội địa) được xử lý đổ thải ngay tại khu vực cảng; khoảng 48-58% lượng bùn nạo vét còn lại được đem đi thải bỏ ở những khu vực khác nằm ngoài địa điểm được quy hoạch xử lý.
Về công tác quản lý bùn nạo vét trên địa bàn thành phố, hiện còn gặp nhiều khó khăn như chưa có hướng dẫn về phân định tính chất thành phần bùn nạo vét kênh rạch và phương án xử lý, thải bỏ cuối cùng; chưa có các quy định cụ thể về thời gian và các tuyến đường vận chuyển bùn nạo vét kênh rạch phù hợp với mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy của thành phố; chưa xây dựng được cơ chế thu hút đầu tư cho hoạt động tận thu sản phẩm từ quá trình nạo vét để giảm khối lượng bùn thải cần được xử lý;…
Nhóm tác giả đề xuất giải pháp quản lý, xử lý bùn nạo vét trên địa bàn thành phố như sau:
+ Xây dựng bộ tiêu chuẩn phân định thành phần tính chất bùn nạo vét sông kênh rạch để hỗ trợ đơn vị quản lý cũng như các chủ đầu tư dự án nạo vét đưa ra các quyết định về phương án xử lý bùn từ các dự án nạo vét sông, kênh rạch.
+ Xác định các phương án xử lý bùn nạo vét sông, kênh rạch bao gồm phương án tái sử dụng bùn nạo vét để san lấp mặt bằng cho đất xây dựng công trình, đất nông nghiệp, đất dân sinh và duy tu các tuyến đê, bao; phương án xử lý, tái chế thành đất trồng trọt chuyên cho mục đích làm đất cảnh quan, trồng cây công viên, cây cảnh.
+ Chuyển giao nhiệm vụ xây dựng đơn giá vận chuyển, đơn giá xử lý bùn thải nói chung và bùn nạo vét nói riêng qua Sở Xây dựng thành phố.
+ UBND thành phố ban hành quy định về phương án xử lý bùn nạo vét kênh rạch theo ngưỡng ô nhiễm.
+ Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu thiết lập các quy định về san lấp mặt bằng bằng bùn nạo vét kênh rạch trên địa bàn TP.HCM.
Đề tài cũng xây dựng sổ tay hướng dẫn xử lý, sử dụng bùn nạo vét với nội dung tập trung vào các vấn đề chính như tiêu chuẩn áp dụng giải pháp kỹ thuật xử lý bùn nạo vét kênh rạch tại TP.HCM; hướng dẫn quy cách đảm bảo an toàn môi trường trong quá trình nạo vét và vận chuyển bùn nạo vét; hướng dẫn các phương án kỹ thuật xử lý bùn nạo vét phù hợp với TP.HCM; hướng dẫn thủ tục và các quy định khác có liên quan đến quy trình tham gia đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế bùn nạo vét kênh rạch tại TP.HCM;…
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)