Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp ở nước ta hiện chủ yếu là đưa các giải pháp công nghệ đến người nông dân nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn, chẳng hạn như các công nghệ về tưới tiêu, thu hoạch và bảo quản, chế biến, nuôi trồng thủy sản, truy xuất nguồn gốc hàng hóa…Tuy vậy, thách thức nhất lớn nhất về khả năng chuyển đổi số trong nông nghiệp đó là trình độ của người nông dân có giới hạn, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên (nhà nông, doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ, khách hàng…), nên đầu ra cho nông sản vẫn còn bỏ ngỏ, dễ bị thương lái ép giá.
Để có được mối liên kết chặt chẽ này, cần phải tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp chuyển đổi số sáng tạo. Trong đó, các bên gắn kết một cách tự nhiên với nhau theo chuỗi giá trị thông qua một trung tâm phát triển giải pháp công nghệ. Qua việc vận hành một ứng dụng (phần mềm) liên kết, các bên có khả năng tương tác, chia sẻ thông tin, hỗ trợ và cùng thụ hưởng lợi ích. Với sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế chia sẻ, ứng dụng (phần mềm) cần phải đáp ứng một số tiêu chí như:
- Có khả năng trở thành nền tảng giao dịch xuất nhập khẩu trực tuyến tốt, đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Việt Nam, có thể mở rộng, hội nhập khu vực cũng như quốc tế.
- Có khả năng vận hành đa dịch vụ, chất lượng dịch vụ tốt, mang lại thành công cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.
- Ứng dụng những công nghệ tiên tiến, như blockchain (chuỗi khối), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data)…để dễ dàng hòa nhập môi trường kinh doanh toàn cầu, đảm bảo khả năng bảo mật và an ninh thông tin.
Ứng dụng công nghệ blockchain nhằm bảo mật dữ liệu và tạo được sự tin tưởng, mô hình AgriLink hướng đến việc phát triển thành hệ sinh thái nông nghiệp chuyển đổi số sáng tạo, qua việc liên kết các đối tác, nhà sản xuất, nhà cung cấp toàn thế giới trong lĩnh vực giao thương xuất nhập khẩu quốc tế.
Mô hình AgriLink.
Ở giai đoạn đầu, AgriLink được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng kết nối thương mại nông nghiệp và xuất nhập khẩu thông minh, kết nối trực tiếp nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp, nhà xuất khập khẩu nông sản trong hệ thống hiệp hội 11 quốc gia CPTPP cùng cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu (hiện có ở trên 150 quốc gia). Riêng ở thị trường trong nước, nền tảng này hướng đến kết nối 1,2 triệu nông dân (bao gồm các đơn vị cung ứng sản phẩm nông nghiệp), 480 doanh nghiệp nông nghiệp, 8.000 hợp tác xã, 1.200 AgriDepot (trung tâm thu mua, sàng lọc nông sản), 360.000 khách hàng Horeca (siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện ích…).
Thông qua việc cung cấp dữ liệu và chào bán nông sản theo nhu cầu của khách hàng với giá niêm yết công khai, AgriLink sẽ góp phần làm giảm các đầu mối trung gian trong chuỗi cung ứng, tối thiểu hóa chi phí tiếp cận thị trường, tối đa hóa lợi nhuận, đảm bảo đầu ra bền vững cho người sản xuất. Nền tảng này còn hỗ trợ triển khai các điều khoản trong kinh doanh quốc tế như (Smart Contract, L/C, Bill of Lading…), xác thực thông tin thương mại, cung cấp các hệ thống quản trị khách hàng, truy xuất nguồn gốc…Nhờ đó, hộ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vừa phát triển kinh doanh trong nước, vừa đẩy mạnh giao thương quốc tế bằng những dịch vụ xúc tiến thương mại trực tuyến, tận dụng các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu và nhập khẩu.
Agrilink sẽ được giới thiệu chi tiết tại “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch 2020” (Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020) tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM, 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM, dự kiến vào cuối tháng 7/2020.
Hoàng Kim (CESTI)