SpStinet - vwpChiTiet

 

Mối liên hệ giữa loãng xương, thoái hóa khớp và các yếu tố nguy cơ tim mạch

Tác giả Nguyễn Văn Khôi và cộng sự (Đại học Tôn Đức Thắng) đã khảo sát các đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng và mối liên quan giữa các bệnh lý loãng xương, thoái hóa khớp và bệnh lý tim mạch, khẳng định vai trò của việc tầm soát nhằm phát hiện sớm bệnh lý, nâng cao hiệu quả điều trị.

Loãng xương, thoái hóa khớp và bệnh lý tim mạch là những nguyên nhân quan trọng gây tử vong và tàn tật ở người lớn tuổi. Trước đây, các bệnh lý này được xem như các nhóm bệnh riêng biệt và sự hiện diện đồng thời của chúng được xem là những quá trình độc lập và liên quan đến tuổi. Tuy vậy, hiện nay đã có nhiều bằng chứng, cả về mặt sinh học lẫn dịch tễ học, cho thấy có sự liên kết giữa các bệnh lý trên, thông qua mối liên quan trong cơ chế bệnh sinh, các yếu tố nguy cơ cũng như về mặt di truyền.

Đề tài được các tác giả nghiên cứu với 1.303 đối tượng nam và nữ từ 40 tuổi trở lên, đang sinh sống tại TP.HCM. Tuổi trung bình của đối tượng tham gia nghiên cứu là 55 (66,46% là nữ). Theo đó, trên X-quang, tỷ lệ thoái hóa khớp gối trong mẫu là 41,98%, thoái hóa bàn tay là 29,3%. Tỷ lệ loãng xương trong mẫu là 15,04%. Các yếu tố nguy cơ tim mạch trong mẫu hiện diện với tỷ lệ lần lượt là 53,57% người rối loạn lipid máu, 39,14% người xơ vữa động mạch cảnh, 33,31% người tăng huyết áp, 27,94% người béo phì, 13,74% người hút thuốc lá và 13,58% người đái tháo đường.

Ở nữ, mật độ xương đo tại ba vị trí có tương quan thuận với béo phì, có tương quan nghịch yếu với LDL-cholesterol và total cholesterol máu. Tương tự, loãng xương có tương quan nghịch với béo phì, và tương quan thuận với LDL-cholesterol và total cholesterol. Ở nam, mật độ xương và tình trạng loãng xương có tương quan với béo phì. Mật độ xương và loãng xương không có tương quan với CIMT (độ dày nội trung mạc động mạch cảnh) và sự hiện diện mảng xơ vữa động mạch cảnh trên cả hai giới.

Ở nữ, thoái hóa khớp gối trên X-quang chỉ có tương quan thuận với béo phì. Thoái hóa khớp bàn tay trên X-quang có tương quan thuận với huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, triglyceride, HbA1c, đái tháo đường và IMT (độ dày lớp nội trung mạc) phình cảnh. Ở nam, thoái hóa khớp bàn tay có tương quan thuận với huyết áp tâm thu.

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, ở nữ giới, mật độ xương và loãng xương có liên hệ với nồng độ lipid máu. Điều này gợi ý đến việc nên kiểm tra sớm mật độ xương trên phụ nữ có tăng lipid máu. Cũng trên nhóm nữ, kết quả phân tích cho thấy, thoái hóa khớp bàn tay trên X-quang có liên quan đến các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch, như tăng huyết áp, tăng triglyceride, đái tháo đường và tăng bề dày lớp nội trung mạc động mạch cảnh. Do vậy, nên tăng cường đánh giá tình trạng tim mạch trên các cá nhân này và cẩn thận trong quá trình sử dụng các thuốc giảm đau, có nguy cơ tác động xấu trên tim mạch.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả