SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào lưu giữ các mẫu giống sâm Việt Nam

Nhóm tác giả Khuất Thị Mai Lương, Lê Hà Minh, Lê Hùng Lĩnh (Viện Di truyền Nông nghiệp) và Đinh Văn Phê (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) đã tiến hành sử dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong việc lưu giữ các mẫu giống sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Vũ Diệp và tam thất hoang nhằm duy trì, lưu giữ và phát triển các loài cây dược liệu quan trọng.

Hiện nay ở Việt Nam có 4 loài thuộc chi Panax, đó là sâm Vũ Diệp (Panax bipinatifidus); tam thất hoang (Panax stipuleanatus), phân bố trên dãy Hoàng Liên Sơn; sâm Puxailaileng (còn gọi là sâm Lào, được tìm thấy ở vùng núi cao Phu Xai Lai Leng thuộc dãy Trường Sơn) và sâm Ngọc Linh (mọc tự nhiên, đang được bảo tồn). Các loài sâm này đang ngày càng khan hiếm do bị khai thác quá mức và đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nuôi cấy mô thực vật, trong đó nuôi cấy phôi soma là công cụ hữu hiệu để lưu giữ dài hạn. Ở Việt Nam, một số kết quả nghiên cứu gần đây đã nhân phôi vô tính qua giai đoạn mô sẹo để nhân nhanh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và sâm Vũ Diệp thành công. Các tác giả nghiên cứu ứng dụng công nghệ này cho sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Vũ Diệp và tam thất hoang để lưu giữ mẫu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, quá trình lưu giữ các mẫu giống sâm Việt Nam được hoàn thiện bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật. Môi trường MS + 0,5 mg/L 2,4-D thích hợp cho cảm ứng tạo mô sẹo từ mô chồi mầm và MS + 1,0 mg/L 2,4-D thích hợp cho cảm ứng tạo mô sẹo từ mô củ các mẫu sâm Việt.

Tỷ lệ phôi soma tạo thành cao nhất trên môi trường MS + 1,0 mg/L 2,4-D + 1 mg/L NAA + 0,5 mg/L TDZ trên mẫu sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và sâm Vũ Diệp. Riêng đối với mẫu tam thất hoang môi trường MS + 1,0 mg/L 2,4-D + 1 mg/L NAA + 0,3 mg/L đạt hiệu quả tạo thành phôi soma cao nhất.

Môi trường tối ưu cho sự nảy mầm và phát triển của phôi thành cây con là MS + 0,5 mg/L NAA + 1,0 mg/L BA. Cây con hoàn chỉnh các mẫu sâm lưu giữ được nuôi cấy trên môi trường SH1/2 + 1,0 mg/L NAA + 0,2 mg/L BA + 0,2 g/L than hoạt tính thích hợp cho sự sinh trưởng và ra rễ của cây con với củ micro.

Như vậy, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để lưu giữ các mẫu giống sâm Việt Nam ở dạng phôi vô tính và cây con hoàn chỉnh là có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chủ động nguồn vật liệu cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, số 11, năm 2019, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Tp. HCM (CESTI).

Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:

  1. Kết quả đánh giá dòng lúa D14 đột biến triển vọng kháng bạc lá
  2. Kết quả tuyển chọn giống nho ăn tươi NH01-152 tại Ninh Thuận
  3. Khảo nghiệm một số giống ngô trong vùng bán khô hạn làm thức ăn gia súc
  4. Đặc điểm sinh trưởng phát triển và năng suất một số giống đậu xanh tuyển chọn cho vụ đông tại Thanh Trì Hà Nội
  5. Nghiên cứu biện pháp canh tác tỏi không bổ sung đất đỏ Bazan và không thay cát san hô ở huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Nam
  6. Sự liên quan giữa kiểu gen Growth Hormone và Prolactin với khả năng sản xuất của Bò sữa

Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.

Diễm Hương (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả