Chế phẩm dùng để súc miệng chứa tinh dầu trầu không
11/06/2020
KH&CN trong nước
Cây trầu không tên khoa học là Piper betle L.(hay Piper siriboa L.), được trồng ở khắp nơi trên nước ta để lấy lá ăn trầu, một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người Việt.
Ngày nay, việc vệ sinh và chăm sóc sức khỏe răng, miệng hàng ngày là hết sức cần thiết. Theo các kết quả nghiên cứu, trong 100g lá trầu không có chứa 2,4% là tinh dầu. Tinh dầu trầu không được sử dụng để chữa hôi miệng do chứa các hoạt chất thiên nhiên có tác dụng khử khuẩn, sát trùng rất cao mà không gây hại cho niêm mạc miệng. Tác giả Trịnh Thị Hà đã tiến hành nghiên cứu thành công “Chế phẩm dùng để súc miệng và quy trình sản xuất chế phẩm này” từ lá trầu không, được cấp bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, số 1-0020295.
Chế phẩm dùng để súc miệng chứa dung dịch chứa tinh dầu trầu không với lượng 10% thể tích của chế phẩm, dung dịch natribenzoat 10% với lượng nằm trong khoảng từ 1-2% thể tích của chế phẩm và nước tinh khiết trong khoảng từ 88-89% thể tích của chế phẩm. Chế phẩm này có tác dụng sát khuẩn, khử trùng cao, đặc trị hôi miệng mà không ê buốt răng.
Quy trình sản xuất chế phẩm súc miệng từ lá cây trầu không gồm: (i) Điều chế dung dịch chứa tinh dầu trầu không bằng việc lựa chọn lá trầu không bánh tẻ, thái nhỏ kích thước 5cm, trộn lá trầu không với nước tỷ lệ 1:2 (trọng lượng/thể tích), chưng cất hỗn hợp đã trộn trong thiết bị chưng cất, ở điều kiện nhiệt độ 98°C trong thời gian 10 giờ để thu được dung dịch chứa tinh dầu trầu không; (ii) Hòa tan dung dịch tinh dầu trầu không với tỷ lệ 10% (theo thể tích) với 1-2% dung dịch natribenzoat 10% và với 88-89% nước tinh khiết ở điều kiện trong phòng và áp suất khí quyển; (iii) Khuấy cho tan trong thời gian 30 phút, thu được chế phẩm dùng để súc miệng.
Sử dụng nước súc miệng từ tinh dầu lá cây trầu không sẽ giúp trị hôi miệng, giảm ê buốt răng, tốt cho sức khỏe. Sản phẩm có thể sử dụng rộng rãi cho mọi lứa tuổi.
Anh Phương (CESTI)