Máy có khả năng tách chiết nucleic acid một cách tự động dựa trên công nghệ hạt từ, ứng dụng trong lĩnh vực xét nghiệm phân tử phát hiện các bệnh truyền nhiễm, ung thư, di truyền,... Sản phẩm là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Khoa Kỹ thuật Y Sinh và hai nhóm nghiên cứu khác ở TP.HCM.
Theo TS. Ngô Thanh Hoàn (đại diện nhóm nghiên cứu), trên thế giới, có nhiều máy chiết xuất sử dụng các nguyên lý khác nhau để lấy được axit nucleic nguyên chất, có thể kể đến phương pháp đun sôi hoặc các phương pháp sử dụng chất tẩy rửa, dung môi hữu cơ và sự kết tủa của DNA. Tuy nhiên, những phương pháp kể trên rất tốn thời gian, sử dụng một số hóa chất nguy hiểm và chỉ dành cho những ứng dụng không yêu cầu lượng axit nucleic cao. Những sản phẩm hiện có trên thị trường (với mức giá trung bình) thường có kích thước to, khó sử dụng, cần nhân lực để theo dõi và điều chỉnh thông số cho mỗi quy trình và đặc biệt là hiệu suất không cao. Trong khi đó, nhu cầu về thiết bị hỗ trợ cho việc xét nghiệm ngày càng tăng, một trong những thiết bị quan trọng được sử dụng trong quá trình phân tích mẫu là máy chiết xuất axit nucleic tự động. Vì vậy, việc phát triển và tạo ra một chiếc máy chiết xuất axit nucleic tự động với giá thành thấp là nhu cầu cấp thiết cho thị trường Việt Nam, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Máy Tigers 1 được chế tạo ứng dụng công nghệ hạt từ, là phương pháp chiết xuất DNA sử dụng những đặc tính của từ tính để tách axit nucleic ra khỏi các chất hoá học/sinh học khác có trong dung dịch. Sau khi thêm cát từ vào mẫu đã chuẩn bị, DNA được giải phóng sẽ liên kết với những hạt từ và các chất hoá học/sinh học còn lại vẫn còn trong dung dịch. Sử dụng các thanh nam châm để hút các hạt từ đã liên kết với DNA và di chuyển đến các giếng để thực hiện quy trình tẩy rửa, chiết xuất. Kết quả thu được là những axit nucleic nguyên chất dùng cho việc phân tích mẫu bệnh phẩm.
Máy có kích thước (400x400x500 mm), điện thế đầu vào 220V, số mẫu có thể tách chiết cùng lúc là 32 mẫu. Ưu điểm của máy là tách chiết nucleic acid hoàn toàn tự động với độ lặp lại cao, giảm thời gian và sai sót so với tách chiết thủ công; giao diện thân thiện dễ sử dụng, nhanh chóng, hiệu quả và chất lượng tốt, thiết kế tối giản đi kèm với hiệu suất cao, giá thành phù hợp với các bệnh viện, phòng khám và phòng thí nghiệm tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu cho biết, máy hiện đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện để cho ra mắt phiên bản chính thức vào năm sau. Đến với Techmart Công nghệ sinh học 2020, nhóm mong muốn mở rộng mạng lưới đối tác liên kết, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và hợp tác sản xuất máy. Dự kiến giá thành của máy khoảng 50-100 triệu đồng.
Lam Vân (CESTI)