Đây là những ưu điểm, lợi thế mà không phải mô hình tìm kiếm gia sư nào cũng có được, nhất là các trung tâm gia sư truyền thống. Vì vậy, dù mới xuất hiện từ giữa năm 2019 (tại TP.HCM) đến nay, Edubox đã thu hút số lượng lớn đội ngũ gia sư có chất lượng và trở thành mô hình gia sư công nghệ mang lại lợi ích và sự thuận tiện cho cả người dạy và người học. Edubox đang tham gia trên hệ thống techport.vn (Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM) do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ vận hành nhằm tìm kiếm các cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng kết nối với người dùng, quảng bá mở rộng ứng dụng gia sư công nghệ 4.0 giúp phụ huynh/học sinh và giáo viên/gia sư tiết kiệm được thời gian và chi phí, tăng hiệu quả của mô hình tìm kiếm giáo dục.
Nguyễn Hà Minh Thông (đồng sáng lập Edubox) cho biết, Edubox là một ứng dụng tìm gia sư, cách thức hoạt động tương tự các ứng dụng gọi xe công nghệ (Grab, Uber,…). Để sử dụng, phụ huynh/học sinh chỉ cần tải app về điện thoại di động (tại CH Play hoặc AppStore) và thực hiện tìm kiếm gia sư theo yêu cầu. Edubox hiện có 2 chức năng chính là tìm kiếm gia sư theo yêu cầu (online và offline). Khi phụ huynh click vào nút tìm gia sư, điền đầy đủ thông tin theo hướng dẫn (bao gồm cả mức học phí đề xuất), các yêu cầu sẽ được xác nhận và gởi đến các gia sư phù hợp gần đó. Sau khi gia sư gởi xác nhận ứng tuyển, Edubox sẽ cung cấp thông tin để hai bên kết nối trực tiếp với nhau. Mức độ tín nhiệm của mỗi gia sư sẽ được phụ huynh đánh giá trên hệ thống sau khi hoàn thành lớp dạy. Nếu bị đánh giá không tốt, gia sư sẽ bị hạ điểm tín nhiệm và phải trả mức phí cao hơn cho Edubox mỗi lần nhận lớp dạy. Trường hợp dạy 1 buổi đầu nếu phụ huynh chưa thực sự ưng ý thì có thể sử dụng nút “thay đổi gia sư”, hệ thống sẽ tìm gia sư mới. Ngoài ra, nếu phụ huynh/học sinh không có nhu cầu tìm gia sư riêng, nút "lớp học gần đây" sẽ giúp tìm các lớp học thêm, trung tâm luyện thi có chất lượng, gần khu vực đang sinh sống.
Đối với các gia sư/giáo viên, để tham gia hệ thống cần đăng ký đầy đủ thông tin (chứng minh thư, bằng cấp, bảng điểm,…) và Edubox sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra thông tin trước khi duyệt làm gia sư. Đây là yếu tố giúp đảm bảo đội ngũ gia sư của Edubox được tuyển chọn bài bản, có chất lượng chuyên môn tốt. Khi trở thành đối tác của Edubox, các gia sư có cơ hội kết nối trực tiếp với nhiều học viên/phụ huynh và dễ dàng lựa chọn những lớp dạy phù hợp với thời gian, địa điểm, cũng như năng lực, chuyên môn của mình. Đồng thời, giảm thiểu các trường hợp rủi ro trong quá trình tìm và nhận lớp dạy, không phải cọc trước một khoản tiền để nhận lớp,…
Có thể nói, Edubox với ý nghĩa như một chiếc hộp giáo dục gói gọn các tiện ích công nghệ, đã trở thành công cụ tìm kiếm giáo dục đáp ứng nhu cầu và đảm bảo lợi ích cho cả 2 phía là phụ huynh/học sinh và gia sư/giáo viên. Thông qua Edubox, người học có thể dễ dàng tìm được gia sư giỏi, phù hợp, tin cậy; người dạy cũng chủ động tìm được lớp dạy phù hợp, có thêm cơ hội việc làm và tăng thu nhập. Quá trình kết nối nhanh chóng, giúp tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí cho cả hai bên so với mô hình kết nối gia sư truyền thống, và hơn thế, khắc phục nhiều bất cập của mô hình truyền thống.
Chính vì vậy, dù hiện có nhiều ứng dụng tìm gia sư khác nhau tham gia thị trường tìm kiếm giáo dục, nhưng Edubox vẫn chứng minh được sức sống của mình. Edubox hiện có đội ngũ khoảng 10.000 gia sư trên khắp cả nước đăng ký đối tác và 14.520 tài khoản người dùng với nhiều phản hồi tích cực, hàng tháng kết nối thành công hơn 200 lớp học. Với đội ngũ gia sư hùng hậu, thời gian tới Edubox sẽ ra mắt tính năng “hỏi đáp gia sư”, cho phép người học có thể hỏi những bài tập khó, hoặc những thắc mắc trong quá trình học tập để được giải đáp nhanh chóng nhất. Hiện Edubox đã đạt được một số kết quả ấn tượng, như Top 20 startup tiêu biểu do báo Tuổi Trẻ tổ chức bình chọn năm 2019; Top 60 Startup Wheel 2019; Top 80 Startup Việt 2019; lọt vào vòng chung kết Asean Rice Bowl Startup Award (bảng Việt Nam); Top 5 dự án được yêu thích nhất tại Tuần lễ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (WHISE 2019) do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.
Nguyễn Hà Minh Thông cho rằng, thành công của Edubox là làm được điều mình mong muốn và giúp ích được cho xã hội, cộng đồng. Đó cũng cách đóng góp khi lựa chọn "dấn thân khởi nghiệp". Edubox đã nhìn thấy vấn đề và đưa ra được cách giải quyết, từng bước kết nối mọi người lại với nhau để họ có thể tiếp cận kiến thức một cách chủ động, thoải mái và dễ dàng. Edubox hoàn toàn có thể nhắm tới con số 50.000-100.000 người dùng trong thời gian không xa và mục tiêu phát triển một nền tảng siêu ứng dụng về tìm kiếm giáo dục; tạo ra hệ sinh thái người dùng (cộng đồng phụ huynh/học sinh và giáo viên/gia sư) để hướng tới xây dựng mạng xã hội giáo dục, góp phần nâng cao khả năng tự học và phục vụ nhu cầu học tập trực tuyến tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng như các starup "nhà nghèo" khác, Edubox gặp vô vàn khó khăn, trong đó, tài chính luôn là vấn đề nan giải. Thói quen người dùng cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi các mô hình mới, các sản phẩm của startup phải xây dựng được lòng tin với cộng đồng người dùng. Trải nghiệm của Edubox cho thấy, muốn khởi nghiệp, phải có kinh nghiệm và các mối quan hệ. Đây chính là điều kiện giúp các startup tìm được tiền hoặc sự giúp đỡ khi khó khăn nhất. Edubox vẫn đang nỗ lực cải tiến sản phẩm, tăng trải nghiệm người dùng, xây dựng chiến lược marketing, quảng bá, mở rộng thị trường, tạo ra những giá trị xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của nền giáo dục Việt Nam.
Vân Nguyễn (CESTI)