Bộ dụng cụ hỗ trợ bệnh nhân tự theo dõi huyết áp
04/07/2020
KH&CN trong nước
Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý có thể xảy ra với bất kỳ tuổi tác và giới tính nào. THA thường không có triệu chứng hoặc dễ bị hiểu nhầm sang bệnh khác, đang là một thách thức lớn đối với ngành y tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Các tác giả Trần Thị Mỹ Hạnh và Nguyễn Quang Tuấn đã tiến hành nghiên cứu “Bộ dụng cụ hỗ trợ bệnh nhân tự theo dõi huyết áp”, gồm dụng cụ lưu trữ thông tin và phiên giải tình trạng huyết áp, giúp bệnh nhân không chỉ có thể tự đo huyết áp hàng ngày của mình mà còn tự phiên giải được ý nghĩa của các thông số đo, nhờ đó biết được tình trạng bệnh mà không cần phải thường xuyên đi khám bác sĩ. Nghiên cứu này đã được cấp bằng bảo hộ giải pháp hữu ích tại Việt Nam, số VN 2-0001687.
Cấu tạo của bộ dụng cụ, gồm: (i) Dụng cụ cảm biến để thu thập thông tin về huyết áp của bệnh nhân được sử dụng có thể là các máy đo huyết áp thông thường bất kỳ đã biết, hoạt động theo cách thủ công hoặc tự động (máy đo điện tử), được đo ở cánh tay, cố tay hoặc ngón tay, miễn là đảm bảo độ chính xác theo yêu cầu; (ii) Dụng cụ lưu trữ thông tin thu thập được là một bảng hình chữ nhật hoặc vuông trên bề mặt có tạo ra một ma trận gồm nhiều ô chữ nhật hoặc vuông như nhau theo một hệ trục tọa độ hai chiều, trong đó chiều ngang thể hiện giá trị huyết áp tối thiểu, chiều đứng thể hiện giá trị huyết áp tối đa, trong đó ma trận nêu trên được được chia thành 8 vùng huyết áp (HA) được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao là: Vùng HA tụt (1), Vùng HA thấp (2), Vùng nguy cơ HA thấp (3), Vùng HA bình thường (4), Vùng nguy cơ THA (5), Vùng ngưỡng THA (6), Vùng THA (7), và Vùng THA cấp cứu (8). Mỗi vùng tương ứng với một khoảng giá trị huyết áp nhất định và được thể hiện bằng một màu sắc khác nhau để người sử dụng dễ phân biệt bằng mắt thường.
Bộ dụng cụ hỗ trợ theo dõi huyết áp giúp mọi người có thế tự theo dõi tình trạng huyết áp của mình tại nhà một cách dễ dàng và có thể mang theo người để theo dõi tình trạng bệnh ở bất cứ đâu, đặc biệt là khi được tích hợp vào máy tính bảng hay điện thoại thông minh.
Anh Phương (CESTI)