Ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) là bệnh lý gan - mật ác tính thường gặp nhất của ung thư gan (hơn 80%) và có tỷ lệ tử vong cao. UTBMTBG đứng thứ 5 trong số các bệnh lý ác tính thường gặp trên thế giới.
Ung thư gan tiến triển thầm lặng nên đa số bệnh nhân được phát hiện muộn, giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì. Do vậy, nhu cầu tìm ra các chỉ dấu sinh học giúp phát hiện ung thư sớm, trước khi xuất hiện khối u, để chẩn đoán sớm là vấn đề cấp thiết trên toàn thế giới. Alpha Fetoprotein (AFP) là dấu ấn sinh học được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Các tác giả Nhật Bản đã phát hiện hai chỉ dấu giúp phát hiện thư gan sớm quan trọng khác là AFP L3 và DCP (còn gọi là PIVKA II - protein induced by vitamin K absence or antagonists II). Bên cạnh các chỉ dấu sinh hóa, miễn dịch thì nhóm các chỉ dấu ung thư mới, có vai trò ngày càng quan trọng, là nhóm DNA và mRNA xuất phát từ khối u hiện diện trong huyết thanh của bệnh nhân. Vì vậy, sử dụng phương pháp real-time RT-PCR để định lượng hTERT mRNA trong máu được đánh giá là một phương pháp nhạy để phát hiện UTBMTBG ở bệnh nhân có lượng AFP thấp.
Nhóm tác giả đề tài đã thu thập (khảo sát) được 340 trường hợp, đưa vào 2 nhóm nghiên cứu: nhóm UTBMTBG và nhóm bệnh gan mạn (BGM). Trong đó, bệnh nhân cũng được chia thành 2 nhóm: bệnh nhân ung thư gan nhiễm HBV/HCV và bệnh nhân viêm gan mãn, xơ gan nhiễm HBV/HCV.
Kết quả, đã xây dựng thành công quy trình realtime-PCR định lượng hTERT mRNA được tối ưu ở nhiệt độ bắt cặp là 600C, nồng độ mồi 250nM và ngưỡng phát hiện của quy trình là 101 bản sao cDNA hTERT trong 1 ml máu. Tuổi trung bình nhóm bệnh nhân UTBMTBG có tuổi trung bình cao hơn (59,8 ± 11,3) so với nhóm bệnh nhân BGM (46,5 ± 13,8). Tỷ lệ nam/nữ ở nhóm UTBMTBG và BGM lần lượt là 4/1 và 1,1/1. Nhóm UTBMTBG có phân loại Child-Pugh A chiếm tỷ lệ cao nhất (89,4%). Bệnh nhân có khối u ở thùy phải (65,3%), một u (8%), kích thước chủ yếu ≤ 5 cm (67,1%) và giai đoạn BCLC (phân loại Barcelona) 0&A (54,1%). Nồng độ AFP, AFP-L3%, DCP, hTERT mRNA ở nhóm bệnh nhân UTBMTBG cao hơn có ý nghĩa so với nhóm BGM.
Kết quả nghiên cứu cũng xác định được ngưỡng cắt 5,1 ng/ml của AFP có độ nhạy (73%) và độ đặc hiệu (92%). Ngưỡng cắt 1,05% của AFP-L3 có độ nhạy (69%) và độ đặc hiệu (90%). Ngưỡng cắt 29,01 mAU/mL của DCP có độ nhạy (82%) và độ đặc hiệu (92%). Ngưỡng cắt 31,50 copies/mL của hTERT mRNA có độ nhạy (88%) và độ đặc hiệu (96%) tốt nhất cho chẩn đoán UTBMTBG. Có mối tương quan thuận giữa AFP-L3, DCP và hTERT mRNA với kích thước u và một số chỉ số cận lâm sàng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)