Đánh giá hiệu quả phiếu chăm sóc cải tiến của điều dưỡng
19/06/2020
KH&CN trong nước
Tác giả Trần Thị Châu và cộng sự (Hội Y học TP.HCM) thực hiện đề tài với mục tiêu xây dựng mẫu phiếu chăm sóc cải tiến (CSCT) của điều dưỡng tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện và xác định giá trị nội dung chất lượng, tính thuận tiện của phiếu CSCT.
Hiện nay, nhiệm vụ và chức năng của điều dưỡng đã và đang được nâng cao, thể hiện qua Chuẩn năng lực Điều dưỡng Việt Nam và các văn bản pháp quy. Yêu cầu việc ghi hồ sơ bệnh án phải thể hiện đầy đủ các nội dung quy trình điều dưỡng (ĐD). Phiếu chăm sóc trong hồ sơ bệnh án của người bệnh là phiếu ghi lại những công việc nhận định, lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và đánh giá trong suốt thời gian chăm sóc người bệnh nằm viện của ĐD. Để đáp ứng các tiêu chí chất lượng, tạo điều kiện thuận tiện và nâng cao hiệu quả ghi chép hồ sơ của ĐD, một số bệnh viện đã xây dựng phiếu CSCT, gồm phiếu theo dõi chức năng sống và phiếu chăm sóc, giúp cho việc ghi phiếu chăm sóc được thuận tiện, ĐD có sự hài lòng rất cao.
Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp 2 mẫu phiếu chăm sóc của nước ngoài và 7 mẫu phiếu CSCT tại các bệnh viện Việt Nam; xác định nội dung của các phiếu chăm sóc theo tiêu chí mô hình VIPS của Thụy Điển (thích hợp, toàn diện, phòng ngừa và an toàn); phân tích dự thảo mẫu phiếu chăm sóc của ĐD; thảo luận nhóm chuyên gia xác định và góp ý phiếu CSCT phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của ĐD hiện nay; triển khai thực nghiệm tại 8 khoa lâm sàng của 4 bệnh viện, đánh giá giá trị nội dung và tính thuận tiện trong việc sử dụng phiếu CSCT.
Theo đó, hình thức phiếu CSCT của ĐD và nội dung về nhận định, đánh giá và lập kế hoạch chăm sóc người bệnh cấp I và II, từ lúc nhập viện đến khi xuất viện về nhà, phù hợp với trình độ và năng lực của ĐD khi triển khai thực hiện. Kết quả thực hiện và giám sát 2.966 phiếu CSCT của ĐD tại 8 khoa trong các bệnh viện cho thấy, tỷ lệ ghi hoàn thành phiếu CSCT thực hiện quy trình điều dưỡng đạt cao (80,83%); tỷ lệ hoàn thành phiếu tăng từ 74,24% lên 81,55% sau 6 đợt thử nghiệm. Thời gian tiếp xúc với người bệnh để hoàn thành phiếu CSCT là 26,01 phút.
Kết quả nhận xét của 251 bác sỹ và ĐD về giá trị nội dung và tính thuận tiện của phiếu CSCT đã đạt được sự thống nhất, đồng ý với mức độ trung bình từ 2,93-3,08. Sử dụng phiếu CSCT hỗ trợ cho ĐD nhận định các vấn đề của người bệnh đầy đủ, liên tục, phù hợp với năng lực của ĐD và tuân thủ thực hành theo quy phạm pháp luật.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)