Mặc dù đã có các thành tựu trong phát triển tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý cao hơn mức chung của cả nước, nhưng so với mục tiêu TP.HCM đề ra thì nữ giới tham gia lãnh đạo quản lý của Thành phố vẫn còn khoảng cách, đòi hỏi phải có những đột phá và những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Chương trình hành động số 31-CTr/TU TP.HCM đã đạt được những thành tích khá ấn tượng trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chính trị. TP.HCM có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội mặc dù chưa đạt được như mục tiêu bình đẳng giới, nhưng đã tăng hơn đáng kể trong hai nhiệm kỳ gần đây, là một trong hai thành phố có tỷ lệ cao nhất cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân tăng nhanh và cao nhất cả nước ở tất cả các cấp, vượt chỉ tiêu Trung ương và Thành phố quy định, khoảng cách giới giảm mạnh, đặc biệt ở cấp Thành phố. Ở cấp tỉnh, cán bộ nữ giữ vị trí cấp trưởng - vị trí ra quyết sách ở một số cơ quan có tầm quan trọng trong hoạch định và xây dựng chính sách. Điều này thể hiện uy tín, chất lượng nữ lãnh đạo của Thành phố ngày càng tăng, sự quyết tâm của các cấp, các ngành cũng như sự nỗ lực của bản thân nữ cán bộ trong quá trình thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Tuy nhiên, ở cấp càng cao tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý càng thấp, chủ yếu giữ vị trí cấp phó. Nguồn cán bộ nữ kế cận cấp phòng thuộc Sở chuyên môn cũng như các cơ quan chuyên môn cấp huyện không cao, được cải thiện nhưng chậm trong những năm gần đây, một số lĩnh vực còn thiếu nguồn cán bộ nữ như quy hoạch đô thị, thanh tra,…
Những thuận lợi cho công tác tạo nguồn quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ nữ hầu hết đến từ sự quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội, song trong quá trình phấn đấu, nữ gặp không ít khó khăn bởi những rào cản từ chính sách, định kiến giới, người đứng đầu một số cơ quan đơn vị, yếu tố gia đình và chính bản thân nữ giới. Từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu đưa ra 8 nhóm giải pháp cụ thể (đối với Ban thường vụ Thành ủy; Ban Tổ chức Thành ủy; UBND TP.HCM; Sở Nội vụ; Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố; cấp ủy, người đứng đầu sở, ban, ngành, các quận huyện; bản thân nữ cán bộ công chức, viên chức). Các đề xuất của nhóm nghiên cứu có thể giúp Sở Nội vụ - cơ quan tham mưu cho UBND Thành phố - về công tác cán bộ nữ và các bên liên quan làm căn cứ để triển khai trong giai đoạn tiếp theo nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)