SpStinet - vwpChiTiet

 

Tác động môi trường của việc nuôi hàu bằng vỏ xe

Đề tài được thực hiện bởi tác giả Vũ Cẩm Lương và cộng sự (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) nhằm nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của việc nuôi hàu bằng vỏ xe trên địa bàn huyện Cần Giờ, qua đó đề xuất giải pháp kỹ thuật và quản lý để phát triển bền vững nghề nuôi hàu ở địa phương.

Nghề nuôi hàu trên địa bàn huyện Cần Giờ có xu thế phát triển mạnh, chủ yếu là nuôi hàu dọc theo mép bờ của các con sông. Mô hình nuôi hàu đã góp phần đem lại giá trị kinh tế, đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập cho người dân và giúp cải thiện môi trường nhờ vào khả năng lọc sạch hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, mô hình nuôi hàu bằng vỏ xe máy cũ đang phát triển mạnh ở huyện Cần Giờ với 314 hộ nuôi, sử dụng khoảng 8 triệu vỏ xe. Người dân ưa chuộng dùng giá thể vỏ xe máy cũ trong nuôi hàu vì giá thể này phù hợp với những tuyến sông có sóng gió lớn, dòng chảy mạnh, và vỏ xe có thể tái sử dụng cho nhiều vụ nuôi.

Có nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến hoạt động nuôi hàu bằng vỏ xe cũ ở huyện Cần Giờ như: hiệu quả về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường của phương thức nuôi hàu bằng giá thể vỏ xe cũ?; nồng độ độc các chất trong môi trường nước nuôi hàu?; nồng độ độc các chất trong thịt hàu thương phẩm?; khả năng cải thiện điều kiện nuôi hàu tốt hơn ở huyện Cần Giờ? Để giải quyết các vấn đề trên, nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của việc nuôi hàu bằng vỏ xe nhằm tìm kiếm cơ sở khoa học, kết hợp hài hòa các khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường, để đề xuất giải pháp phát triển bền vững hoạt động nuôi hàu ở huyện Cần Giờ.

Đề tài tập trung xây dựng các phân vùng nghiên cứu, trạm thu mẫu và bố trí thí nghiệm theo điều kiện sinh thái, môi trường và kỹ thuật nuôi. Đồng thời, thực hiện khảo sát hiện trạng kỹ thuật và quản lý nuôi của các mô hình nuôi hàu và vùng nuôi, cùng hiệu quả kinh tế xã hội của các mô hình nuôi. Từ đó, đánh giá chất lượng môi trường nước để làm cơ sở quy hoạch vùng nuôi và nghiên cứu diễn tiến phát thải độc chất từ vỏ xe cũ trong điều kiện môi trường tự nhiên tại Cần Giờ. Song song đó, nhóm tác giả quan trắc nồng độ các độc chất trong môi trường nước ở các vùng nuôi hàu; nồng độ các độc chất tích lũy trên sản phẩm hàu của vùng nuôi để nghiên cứu đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động xấu và phát triển bền vững nghề nuôi hàu ở Cần Giờ, chuyển giao giải pháp và xây dựng sự đồng thuận từ các chủ thể của vùng nuôi hàu ở Cần Giờ; đề xuất quy trình nuôi hàu phù hợp, bảo đảm tính hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường trong điều kiện của Cần Giờ.

Kết quả quan trắc chất lượng nước ở các vùng nuôi hàu tại Cần Giờ cho thấy, các chỉ tiêu chất lượng nước trong khoảng cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt dùng trong nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu chưa phát hiện nồng độ và hàm lượng các chất trong môi trường nước và hàu vượt quá quy định cho phép, theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới.

Các tác giả đã đề xuất giải pháp quản lý và quy trình kỹ thuật nuôi hàu phù hợp với điều kiện Cần Giờ, với các đề xuất quan trọng trong việc sử dụng giá thể vỏ hàu mang yếu tố tự nhiên và thân thiện với môi trường để dần thay thế giá thể vỏ xe; thời gian ngâm giá thể vỏ xe mới thả để giảm thiểu sự phát thải các chất từ giá thể mới; khuyến cáo lượng hàu tiêu thụ tối đa (con/người/ngày), căn cứ trên hàm lượng Zn cao ở hàu tại một số thời điểm.

Trên đây là nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của việc nuôi hàu (Crassostrea spp.) bằng vỏ xe trên địa bàn huyện Cần Giờ”, vừa được cập nhật vào Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin KH&CN TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trên Hệ thống còn rất nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, có thể kể đến như:

  1. Đánh giá ảnh hưởng, tác động qua lại giữa môi trường nước và hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cần Giờ và đề xuất các giải pháp giảm nhẹ
  2. Xây dựng quy trình nuôi và thu sinh khối vi tảo Thalassiosira sp. để phục vụ việc nâng cao chất lượng giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) tại Cần Giờ, TP. HCM

  3. Nghiên cứu xử lý tồn dư trong nước của một số chất kháng sinh phổ biến trong nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu carbon trên cơ sở khung cơ kim (Fe-MIL-53)

  4. Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp kích thích cua lột xác

  5. Nghiên cứu thử nghiệm cải thiện khả năng tăng trưởng và tăng cường miễn dịch trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) bằng sử dụng khô đậu nành lên men và bổ sung chế phẩm Lactobacillus plantarum xử lý nhiệt

Quý bạn đọc có thể bấm vào nhan đề để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu trên Hệ thống để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://stinet.gov.vn/

Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin KH&CN TP. Hồ Chí Minh được tổ chức thực hiện theo Đề án liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ do Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh phê duyệt.

Được triển khai từ tháng 5 năm 2018, đến nay, Hệ thống đã liên kết dữ liệu của 30 tổ chức KH&CN thành viên (các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và thư viện) tại TP.HCM, với hơn 311 ngàn tài liệu, gồm thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, sách, giáo trình nội bộ, luận văn, luận án, tạp chí chuyên ngành KH&CN, tài liệu hội thảo,...

Hệ thống cho phép người dùng tra cứu, khai thác trực tuyến đến các tài liệu thư mục và toàn văn theo cơ chế mở.

Kim Oanh (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả