Mặc dù hiện nay điều trị nội khoa về tim mạch có rất nhiều tiến bộ, vẫn có nhiều trường hợp cần có sự can thiệp của phẫu thuật. Trong đó, phẫu thuật van tim và bắc cầu mạch vành là phẫu thuật lớn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bệnh nhân sau này. Chương trình phục hồi chức năng tim mạch đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam chương trình phục hồi chức năng tim mạch toàn diện chưa được áp dụng phổ biến, do đó việc nghiên cứu áp dụng chương trình này là rất cần thiết.
Với đề tài trên, nhóm tác giả đánh giá hiệu quả của chương trình phục hồi chức năng tim mạch sau 6 tuần ở các bệnh nhân sau phẫu thuật van tim và bắc cầu mạch vành bằng nghiệm pháp đi bộ 6 phút; bằng lượng oxy đỉnh tiêu thụ; bằng chỉ số MET (Metabolic Equivalence of Task – đương lượng chuyển hóa); bằng thang điểm HRQOL (Heart Related Quality of Life Scale - thang điểm đánh giá chất lượng cuộc sống trên bệnh nhân mắc bệnh tim mạch). Có 242 bệnh nhân bao gồm 121 ca nhóm đối chứng và 121 ca nhóm can thiệp, tham gia vào chương trình phục hồi chức năng tim mạch 6 tuần tại Viện Tim và Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2019).
Kết quả, phục hồi chức năng tim mạch trong 6 tuần sau phẫu thuật van tim và phẫu thuật bắc cầu mạch vành giúp bệnh nhân: gia tăng khoảng cách đi bộ 6 phút 153,2 ± 57,6 mét so với nhóm đối chứng là 19,9 ± 41,4 mét; gia tăng lượng oxy đỉnh tiêu thụ Peak VO2 4,9 ± 2,3 ml/kg/min, so với nhóm chứng là -0,7 ± 2,5 ml/kg/min; gia tăng chỉ số MET so với trước can thiệp là 1,3 ± 0,7, so với nhóm đối chứng là -0,2 ± 0,9; gia tăng điểm số chất lượng cuộc sống HRQOL so với trước can thiệp 9,9 ± 3,7 điểm, so với nhóm đối chứng là 0,8 ± 3,1 điểm.
Các hiệu quả đạt được không phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật (thay thế, sửa chữa van tim hoặc bắc cầu mạch vành) cũng như không phụ thuộc vào phân suất tống máu thất trái (nhóm LVEF ≥ 50% hoặc LVEF 30-49%).
Như vậy, chương trình phục hồi chức năng tim mạch 6 tuần trên bệnh nhân sau phẫu thuật van tim và bắc cầu mạch vành có hiệu quả giúp cải thiện chức năng tim mạch qua các thông số khoảng cách đi bộ 6 phút, lưu lượng oxy đỉnh, chỉ số MET, đồng thời cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Có thể áp dụng chương trình này một cách thường quy cho toàn bộ các bệnh nhân sau phẫu thuật van tim và bắc cầu mạch vành nếu không có các chống chỉ định.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)