SpStinet - vwpChiTiet

 

Truyền thông nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn TP.HCM

Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chủ trì thực hiện, ThS. Đặng Thị Thanh Lê là chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

 

Tiêu dùng bền vững (TDBV) nghĩa là mua những hàng hóa và dịch vụ không gây tổn hại đến môi trường, xã hội và kinh tế (UNEP, 2016). Trên thực tế, hiện trạng tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh đã và đang gây ra nhiều vấn đề, trong đó có việc gia tăng tiêu dùng năng lượng, nước, các nguồn nhiên liệu, tăng lượng rác và phát thải và tăng sử dụng đất. Do đó, cần nhận thức mối liên quan giữa những hành động tiêu dùng, mua sắm, sử dụng tài nguyên cũng như phát thải hằng ngày của mình và việc giảm thiểu, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Với đề tài nêu trên, nhóm tác giả mong muốn xây dựng chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của học sinh về các phương pháp tiêu dùng khoa học, có lợi cho cả môi trường và cá nhân người tiêu dùng thông qua các phương pháp giảng dạy trực quan sinh động, các hoạt động, các trò chơi vui nhộn, đồng thời phân tích đánh giá sự khác nhau về mặt tiếp nhận kiến thức và phát huy vai trò xã hội trong việc lan tỏa kiến thức TDBV của học sinh THPT ở khu vực nội thành và ngoại thành TP.HCM. Chương trình truyền thông đã được triển khai thí điểm ở 9 trường THPT trên địa bàn Thành phố, tính khả thi, hiệu quả và khả năng nhân rộng của chương trình được đánh giá thông qua việc khảo sát các em học sinh và ban giám hiệu của các trường.

Kết quả, kiến thức về TDBV của các em học sinh từ tương đối tốt đến tốt 22,60%, chưa tốt 77,40%. Học sinh vẫn còn hạn chế nhiều trong kiến thức, đặc biệt là các thuật ngữ khoa học liên quan đến các khía cạnh của TDBV như nông nghiệp xanh, du lịch bền vững, tăng trưởng xanh, đô thị bền vững. Mặc dù có sự chênh lệch nhưng tỉ lệ này không cao nên nhìn chung không có sự phân hóa rõ ràng về kiến thức ở khía cạnh TDBV giữa ba khu vực (nội thành hiện hữu, nội thành phát triển và ngoại thành).

Nhận thức về TDBV của học sinh đạt mức tốt là 13,43%, tương đối tốt 77,5%, chưa tốt là 9,07%. Tỉ lệ này cho thấy, đa phần các em được khảo sát đều có mối quan tâm nhiều nhất là vấn đề sức khỏe và theo sau đó là vấn đề môi trường, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thực hiện các giải pháp lồng ghép cũng như tập huấn truyền đạt những kiến thức về TDBV cho học sinh. Nhìn chung kết quả khảo sát cho thấy thái độ và hành vi của học sinh về TDBV chưa thực sự tốt, cụ thể theo kết quả khảo sát chỉ có 29,67% học sinh có hành vi tiêu dùng tích cực. Các kết quả kiểm định cũng cho thấy, không có sự khác biệt về hành vi TDBV giữa giới tính nam và nữ của học sinh THPT. Kiến thức và nhận thức về TDBV của học sinh THPT không chịu tác động bởi khu vực; khu vực có ảnh hưởng đến thái độ và hành vi TDBV. Kết quả kiểm định Anova cho thấy không có sự khác biệt về kiến thức, nhận thức và thái độ về TDBV của học sinh THPT giữa các thứ hạng; có sự khác biệt về hành vi TDBV giữa các thứ hạng.

Bên cạnh đó, kết quả phân tích còn cho thấy mặc dù sự chênh lệch rất thấp nhưng kiến thức, nhận thức, thái độ, hành vi của khu vực ngoại thành trong phạm vi khảo sát thường tốt hơn khu vực nội thành hiện hữu và nội thành phát triển. Các chương trình truyền thông hoặc các hoạt động ngoại khóa ở các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đều rất đa dạng và phong phú kể cả những chương trình về môi trường, dù là trường ở khu vực nội thành hoặc ngoại thành thì các hoạt động liên quan đến môi trường vẫn được triển khai rộng rãi, tuy nhiên đối với mỗi trường tùy vào định hướng của ban giám hiệu và của nhà trường mà mức độ quan tâm và hoạt động triển khai sẽ khác nhau, đó có thể là lý do mà có sự chênh lệch giữa khu vực ngoại thành và nội thành. Từ mức độ quan tâm nói trên thì việc triển khai lồng ghép vào các môn học ở các tổ bộ môn cho giáo viên cũng sẽ khác nhau ở từng trường và từng khu vực, vì thế kiến thức, nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh – người tiếp nhận sẽ có sự phân hóa.

Từ kết quả đánh giá hiện trạng, xác định khoảng trống thông tin, nhu cầu truyền thông và kết quả phân tích SWOT về chương trình truyền thông TDBV của học sinh THPT, chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về TDBV cho học sinh THPT đã được thực hiện và đã mang lại hiệu quả cao, đạt được mục tiêu đề ra là nâng cao nhận thức của học sinh, thay đổi thái độ, hành vi từ những hành động hàng ngày và thúc đẩy học sinh thực hiện các hành vi TDBV trong cuộc sống, đồng thời khuyến khích những người khác (bạn bè, gia đình, người thân) cùng tham gia.

Về nội dung, hình thức thực hiện, tính hữu ích, công tác tổ chức cũng như các sản phẩm của chương trình đã gây được ấn tượng tốt trong giáo viên và học sinh, bên cạnh đó là sự thay đổi rõ rệt về kiến thức, nhận thức, thái độ và hành vi của học sinh về TDBV trước và sau chương trình. Cụ thể, sau chương trình, kiến thức học sinh đạt mức tốt là 92,58%; nhận thức của hầu hết các em học sinh về TDBV đều khá tốt (93,94%); 91,16% học sinh có thái độ tích cực qua việc mong muốn TDBV và sẽ chia sẻ kiến thức TDBV với mọi người; 87,88% học sinh có những biểu hiện dịch chuyển hành vi tiêu dùng ở mức tốt, tương đối tốt 9,85%.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị như: đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường và phát huy, nhân rộng những sáng kiến, giải pháp hiệu quả về bảo vệ môi trường trong trường THPT trên địa bàn TP.HCM; lồng ghép các nội dung kiến thức liên quan đến TDBV vào chương trình học của học sinh thông qua các môn học, các chương trình của Đoàn thanh niên, sinh hoạt dưới cờ; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và lối sống sinh thái thông qua việc nâng cao nhận thức, năng lực cho toàn thể nhà giáo và người học nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về hành vi tiêu dùng tại các trường THPT trên địa bàn TP.HCM, đáp ứng các yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới;…

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả