Công bố “High prevalence of colonisation with carbapenem-resistant Enterobacteriaceae among patients admitted to Vietnamese hospitals: Risk factors and burden of disease” trên tạp chí Journal of Infection của nhóm nhà khoa học Thụy Điển và Việt Nam đã cho thấy, khoảng một nửa số bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện ở Việt Nam mang vi khuẩn đường ruột đa đề kháng, có khả năng kháng carbapenems (nhóm kháng sinh có phổ tác dụng rộng nhất trong số các nhóm kháng sinh hiện hành).
Vi khuẩn đường ruột kháng carbapenem (Carbapenem Resistant Enterobacteriaceae - CRE) kháng lại gần như tất cả các loại kháng sinh, khiến cho việc điều trị nhiễm trùng do các vi khuẩn này gây ra rất khó khăn. Hơn nữa, CRE có thể chuyển các gene kháng kháng sinh cho các loại vi khuẩn khác, dẫn đến việc các vi khuẩn này cũng kháng với các loại kháng sinh carbapenem. Các vi khuẩn đường ruột có thể lan truyền một cách dễ dàng và trở thành nguyên nhân gây ra nhiều loại nhiễm trùng, chủ yếu là nhiễm trùng đường tiết niệu, máu và viêm phổi.
Quy trình can thiệp CRE nhằm giảm HAI (nhiễm khuẩn bệnh viện).
Sự lây lan trên diện rộng của các vi khuẩn CRE cho thấy, cần phải có các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu sự lan truyền của lây nhiễm trong các bệnh viện như vệ sinh chân tay, vô trùng khi phẫu thuật, xử lý ống thông tĩnh mạch hay cách ly bệnh nhân mang vi khuẩn đường ruột đa đề kháng. Bên cạnh đó, cần theo dõi bệnh nhân ngay cả khi họ đã xuất viện, nhằm giảm thiểu lây lan trong cộng đồng.
Để chẩn đoán và sàng lọc nhanh CRE, bệnh viện thường sử dụng đĩa CRE (loại đĩa thạch bằng thủy tinh hoặc chất dẻo dạng hình trụ và có nắp đậy) để nuôi cấy vi sinh vật, định lượng tổng khuẩn…Loại đĩa này thường được nhập khẩu từ châu Âu, có thời hạn sử dụng khoảng 4 tuần (thực tế ngắn ngày hơn do thời gian vận chuyển lâu) và chi phí khoảng 10 USD/đĩa.
Được tài trợ chính từ Viện Karolinska (Thụy Điển), nhóm nghiên cứu của ông Trần Chí Thành đã phát triển thành công loại đĩa thạch ChromAgar CRE. Tuy đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng sản phẩm có tiềm năng lớn, nhờ thời hạn sử dụng lên đến 12 tuần (bảo quản ở điều kiện 2-8oC), gấp 3 lần sản phẩm nhập ngoại, giảm được rủi ro do thời gian vận chuyển.
ChromAgar CRE là môi trường sinh màu dùng phát hiện và phân biệt trực khuẩn Gram âm (-) kháng với carbapenem, thành phần là ChromAgar Orientation, phân biệt vi khuẩn dựa trên màu sắc của khúm khuẩn do thủy giải cơ chất của β-glucosidase và β-galactosidase. Môi trường có bổ sung muối mật (bile salt) và thuốc nhuộm crystal violet để ức chế vi khuẩn Gram dương (+) và bổ sung 2µg/mL meropenem để phát hiện vi khuẩn không nhạy với carbapenem.
Màu sắc khuẩn lạc (xanh đen, bên phải) của Kleb.pneumoniae kháng carbapenem trên đĩa ChromAgar CRE sản xuất tại Việt Nam.
Màu sắc khuẩn lạc (hồng đậm) của E.coli kháng carbapenem trên đĩa ChromAgar CRE sản xuất tại Việt Nam.
Vi khuẩn CRE khu trú trong ruột người được coi là ổ chứa để lây truyền chéo trong các cơ sở y tế. Giám sát tích cực ở những bệnh nhân có nguy cơ cao đã giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này ở cơ sở chăm sóc tích cực. Do đó, việc thực hiện một phương pháp đáng tin cậy và nhạy cảm để phát hiện CRE rất quan trọng đối với sự thành công của các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng. Khi sự xuất hiện và lan rộng của các loại CRE ngày càng được báo cáo nhiều hơn, các phương pháp dựa trên nuôi cấy vẫn cần thiết để phát hiện ra chúng. Điểm mới ở ChromAgar CRE là phát triển công thức môi trường chọn lọc nội bộ và quy trình kiểm soát chất lượng để chủ động sàng lọc CRE.
Công thức môi trường đĩa ChromAgar CRE có thể sàng lọc tỷ lệ phổ biến CRE với độ nhạy cao (97,4%), độ đặc hiệu 98,8%, đặc biệt là E. coli và nhóm KESC. Công thức có thể sử dụng rộng rãi, tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng cần thiết đối với ATTC và/hoặc các chủng được phân lập lâm sàng, có thể là một lựa chọn thay thế chi phí thấp (chỉ bằng một nửa) nhưng đạt hiệu suất tương tự như sản phẩm thương mại ngoại nhập .
Hiện nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm các đơn vị có năng lực sản xuất quy mô lớn để cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu ra cả châu Á – khu vực đang thiếu nguồn cung đĩa CRE. Từ sự nguồn cung đĩa CRE có sẵn, với giá thành hợp lý, các cơ sở y tế sẽ có khả năng phát hiện sớm các bệnh nhân bị CRE để chủ động ngăn ngừa sự lây lan.
Hoàng Kim (CESTI)